Australia mở rộng dịch vụ ngoài trời, nhiều nước Nam Á nới hạn chế

Thành phố Melbourne sắp cho phép các dịch vụ ăn uống và giải trí ngoài trời hoạt động; trong khi Nepal, Ấn Độ, Sri Lanka nới lỏng hạn chế để mở cửa đón du khách.
Australia mở rộng dịch vụ ngoài trời, nhiều nước Nam Á nới hạn chế ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Melbourne, Australia. (Ảnh: THX/TTXVN)

Melbourne, thành phố đông dân thứ hai của Australia, ngày 24/9 đã công bố sáng kiến "Inside Out" nhằm mang các dịch vụ ăn uống, giải trí cũng như cuộc sống về đêm ra ngoài đường phố sau khi các quy định phong tỏa tại thành phố này dự kiến được dỡ bỏ vào cuối tháng 10.

Sáng kiến này sẽ tận dụng lộ trình dỡ phong tỏa của chính quyền bang Victoria, cho phép các dịch vụ ăn uống và giải trí ngoài trời hoạt động khi 70% dân số người dân từ 18 tuổi của bang đã được tiêm chủng đầy đủ.

Giới chức Y tế bang Victoria cho biết tính đến ngày 22/9, đã có 45,9% người dân từ 18 tuổi đã được tiêm đủ hai mũi vaccine và dự kiến tới cuối tháng 10 bang này sẽ đạt được mốc 70%.

Theo Thị trưởng thành phố Melbourne, ông Sally Capp, đại dịch COVID-19 tác động nặng nề tới các doanh nghiệp nhỏ trên toàn Australia và các doanh nghiệp nhỏ tại Melbourne chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Đây chính là lý do chính quyền đưa ra sáng kiến trên nhằm giúp hoạt động buôn bán dễ dàng hơn.

Ông Capp cũng cho biết để hỗ trợ cho các doanh nghiệp được hoạt động ngoài trời, chính quyền sẽ kéo dài thêm việc tạm hoãn trả phí giấy phép cũng như chấp thuận nhiều giấy phép hoạt động ngoài trời hơn cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, để thực hiện sáng kiến Inside Out, thành phố sẽ đóng cửa các tuyến đường được chọn vào các tối cuối tuần (5, 6, 7).

[Châu Á là khu vực dẫn đầu số ca mắc COVID-19 trên thế giới]

Động thái trên nằm trong một loạt các chương trình mới nhất của chính quyền bang Victoria nhằm khuyến khích người dân góp phần hỗ trợ giải trí và ăn uống.

Trước đó, trong tháng Tám, chính quyền Melbourne đã công bố tài trợ cho khoảng 60 sự kiện sẽ diễn ra vào năm 2022, trong đó có Triển lãm Vườn và hoa quốc tế, Lễ hội mùa Hè dành cho trẻ em...

Nhiều nước Nam Á nới lỏng hạn chế để mở cửa đón du khách

Nepal đã bắt đầu nối lại việc cấp thị thực (visa) cho tất cả khách du lịch đã tiêm vaccine ngừa COVID-19, trong bối cảnh các quốc gia Nam Á đang nỗ lực hồi sinh ngành công nghiệp không khói vốn chịu tổn thất nặng nề sau 18 tháng bùng phát đại dịch.

Từ ngày 23/9, Nepal mở cửa trở lại với du khách và dỡ bỏ quy định cách ly khi nhập cảnh đối với người nước ngoài đã tiêm phòng. Các quốc gia láng giềng của Nepal dự kiến sẽ sớm đưa ra quyết định tương tự.

Trao đổi với báo giới, người phát ngôn Bộ Du lịch Nepal Tara Nath Adhikari cho biết quyết định nối lại việc cấp thị thực là nhằm mở cửa trở lại ngành du lịch, vốn là một trong những trụ cột của nền kinh tế Nepal.

Tuy nhiên, tất cả hành khách, dù đã tiêm phòng hay chưa, vẫn phải làm xét nghiệm COVID-19 khi nhập cảnh. Những du khách chưa tiêm phòng phải thực hiện cách ly trong 10 ngày.

Australia mở rộng dịch vụ ngoài trời, nhiều nước Nam Á nới hạn chế ảnh 2Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Kathmandu, Nepal. (Ảnh: THX/TTXVN)

Quyết định trên được đưa ra đúng thời điểm thuận lợi nhất cho các chuyến leo núi mùa Thu ở Nepal. Hiệp hội Leo núi Nepal (NMA) nhận định đây là quyết định rất quan trọng, có thể giúp gia tăng lượng khách du lịch quốc tế đến nước này.

Do khách quốc tế là một trong những nguồn thu chủ yếu cho Nepal, quyết định đóng cửa đất nước do đại dịch COVID-19 hồi tháng Ba năm ngoái đã gây thiệt hại kinh tế ước tính hàng trăm triệu USD, đồng thời tác động mạnh tới khoảng 800.000 người làm việc trong ngành du lịch tại quốc gia Nam Á này.

Trong khi đó, quốc gia láng giềng của Nepal là Ấn Độ dự định cấp miễn phí 500.000 thị thực du lịch để chuẩn bị nối lại hoạt động của ngành du lịch sau hơn một năm đóng cửa.

Ấn Độ đang đàm phán với các hãng hàng không quốc tế để lên lịch trình nối lại các chuyến bay giữa nước này và các thị trường chính ở Bắc Mỹ và châu Âu.

Còn tại Sri Lanka, từ tháng Bảy, khách du lịch nước ngoài đã tiêm phòng bắt đầu được phép nhập cảnh vào nước này mà không cần phải cách ly nếu có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Khu vực Nam Á phụ thuộc nhiều vào du lịch, với khoảng 47 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực này, theo số liệu của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới công bố năm 2019.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 bùng phát đã buộc các nước phải đóng cửa các bãi biển và khu du lịch trên núi, khiến doanh thu của ngành du lịch sụt giảm mạnh. Đây là một phần nguyên nhân dẫn tới suy thoái kinh tế của các quốc gia khu vực trong năm ngoái./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục