“Cần 3 Nguyễn Phi Phi Anh thôi, sân khấu Việt Nam sẽ được giải quyết”?

Tiến sỹ Nguyễn Thị Minh Thái lại cho rằng, nhận xét của nghệ sỹ Lê Khanh là quá lời, dễ trở nên ảo tưởng. Bởi, “ba Nguyễn Phi Phi Anh thì cũng không thể thay đổi được những vấn đề của sân khấu."
“Cần 3 Nguyễn Phi Phi Anh thôi, sân khấu Việt Nam sẽ được giải quyết”? ảnh 1Nguyễn Phi Phi Anh trở lại với dự án nhạc kịch 'HOPE.' (Ảnh: Đô Tăng)

Trong buổi họp báo ra mắt dự án nhạc kịch “HOPE” gồm 35 buổi diễn của Nguyễn Phi Phi Anh (PPAN) mới đây tại Hà Nội, nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh cho rằng, “mộng ước của PPAN và các cộng sự trẻ tuổi của cậu đang nỗ lực thực hiện chính là niềm hy vọng của nghệ thuật Việt trong tương lai. Đó là làm ra những tác phẩm vừa có giá trị nghệ thuật, vừa có tính giải trí."

"Thậm chí, chỉ cần có 3 Nguyễn Phi Phi Anh thôi, những vấn đề hiện nay của sân khấu sẽ được giải quyết" (?)

Lấy cái không chuyên để làm thành chuyên nghiệp

Trước khi ra mắt “HOPE,” công chúng đã biết đến PPAN khi vở “Góc phố danh vọng” do anh biên kịch và đạo diễn ra mắt cách đây 4 năm. Ngay sau đó, anh cũng cho công diễn vở “Đêm Hè sau cuối.”

Phải nói thêm, lúc đó PPAN vẫn đang là một sinh viên du học về chuyên ngành đạo diễn phim ở Mỹ. Và “nhạc kịch” thì chỉ là một cuộc chơi đầy khát khao “thử nghiệm” trong những mùa Hè PPAN trở về quê nhà. Anh chàng 9X này cũng cẩn thận gọi tác phẩm đầu tay của mình là “ca hát kết hợp kể chuyện.”

Thực ra, những tác phẩm mà đạo diễn trẻ này đã và đang làm chính là nhạc kịch. Nhưng theo lý giải của PPAN thì, “lúc đó tôi mới tập tành làm cũng không dám chắc mình sẽ làm ra cái gì? Có thành trò cười không? Nếu gọi luôn đó là nhạc kịch, cá nhân tôi thấy rất kệch cỡm. Thời điểm 4 năm trước, đời sống thưởng thức khác bây giờ. Nếu gọi là ca nhạc kết hợp kể chuyện sẽ thân thiện và thu hút người trẻ hơn.”

“Cần 3 Nguyễn Phi Phi Anh thôi, sân khấu Việt Nam sẽ được giải quyết”? ảnh 2Vở 'Góc phố danh vọng' dự kiến công diễn tháng 11 tới tại L'Espace, Hà Nội. (Ảnh: Đô Tăng)

Và sự thật thì công chúng từ việc dè dặt và nghi ngại, đã chuyển qua tò mò, thích thú về “nhân tố” lạ này. Vé của tất cả các đêm diễn ở hai lần ra mắt trước đã “bốc hơi” nhanh chóng, PPAN được truyền thông gọi là “hiện tượng.”

Sau 4 năm cùng với “HOPE” vẻ như PPAN đã trở nên tự tin hơn. Tự tin, cả về chất và lượng. “HOPE” gồm 3 vở nhạc kịch theo phong cách Broadway lần lượt được công diễn 35 liên tục đêm trong nhiều tháng, gồm “Đêm Hè sau cuối” (tháng 10), “Góc phố danh vọng” (tháng 11) và “Mộng ước không xa vời” (tháng 1/2017). Cả 3 vở nhạc kịch này đều do PPAN viết kịch bản, đạo diễn, kiêm nhà sản xuất.

Trong buổi họp báo ra mắt dự án nhạc kịch “HOPE” gồm 35 buổi diễn của Nguyễn Phi Phi Anh mới đây tại Hà Nội, nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh cho rằng, “mộng ước” của PPAN và các cộng sự trẻ tuổi của cậu đang nỗ lực thực hiện chính là niềm hy vọng của nghệ thuật Việt trong tương lai. Đó là làm ra những tác phẩm vừa có giá trị nghệ thuật, vừa có tính giải trí.

Thậm chí, chỉ cần có 3 Nguyễn Phi Phi Anh thôi, những vấn đề hiện nay của sân khấu sẽ được giải quyết.(?)

Theo nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh, ngoài quy mô 35 buổi diễn, một con số chưa từng có với bất cứ vở nhạc kịch nào thì cái cách mà PPAN đang vận hành “HOPE” với tất cả những vị trí có thể, như biên kịch, đạo diễn và sản xuất thực sự là rất can đảm.

Chưa kể, về chuyên môn mà nói, nhạc kịch yêu cầu diễn viên phải biết hát, nhảy và diễn xuất. Mà như PPAN nói, “HOPE” không có một ngôi sao nào và chẳng có lấy ai đủ hết cả ba tiêu chuẩn đó.

“Cần 3 Nguyễn Phi Phi Anh thôi, sân khấu Việt Nam sẽ được giải quyết”? ảnh 3Diễn viên vai Rudolph vở 'Góc phố danh vọng' dự kiến được công diễn tháng 11 tới. (Ảnh: Đô Tăng)

“Khi vận hành HOPE, tôi luôn có cho mình những sự lựa chọn và cách sắp xếp. Ai thì vào chỗ của người ấy, người không biết hát thì đừng cho họ hát, vậy thôi. Nhạc kịch đòi hỏi cảm xúc và sự xuất thần, vì vậy trên sân khấu thì ai cũng có cơ hội làm mình tỏa sáng và trở thành ngôi sao.”

“Thành ra, việc cậu ấy giống như người nhạc trưởng chỉ huy gần 100 người trẻ không chuyên, có một chút năng khiếu và sự đam mê nhưng hiệu ứng của các vở đã từng ra mắt thì lại rất nghề và sắc sảo. Điều này vừa là bước đi tiên phong, vừa giống như một sự chuyên nghiệp. Đó là hướng đi của nghệ thuật tương lai. Và tôi nói luôn để làm được điều mà Phi Anh đang làm là rất khó, trọng trách và sứ mệnh ấy bằng cả một nhà hát cùng nhiều bộ máy gộp lại,” nghệ sỹ Lê Khanh khẳng định.

“Việt hóa” nhạc kịch: Hướng đi của tương lai?

Tại buổi họp báo, họa sỹ Lê Thiết Cương cũng đồng tính với ý kiến của nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh. Anh cho rằng, từ đội ngũ gồm rất nhiều người không chuyên nhưng lại diễn cảm xúc và phù hợp. Và khi làm được điều này, nếu có ai đó gọi PPAN là “cậu bé vàng” của nhạc kịch Việt Nam thì cũng không ngoa.

Trong khi đó, Phó giáo sư, Tiến sỹ Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái lại cho rằng, nhận xét của nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh là quá lời, dễ trở nên ảo tưởng. Bởi, theo bà “dù có ba Nguyễn Phi Phi Anh thì cũng không thể thay đổi được những vấn đề của sân khấu hiện nay.”

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu và phê bình Nguyễn Thị Minh Thái khẳng định, việc mà đạo diễn 9X làm được với những tác phẩm của mình là “Việt hóa” được thể loại nhạc kịch Broadway và mang nó lên sân khấu cho công chúng Việt thưởng thức.

“Cần 3 Nguyễn Phi Phi Anh thôi, sân khấu Việt Nam sẽ được giải quyết”? ảnh 4Tiến sỹ Nguyễn Thị Minh Thái, họa sỹ Lê Thiết Cương, nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh, ca sỹ Giang Trang cùng PPAN tại buổi họp báo tại Hà Nội. (Ảnh: Đô Tăng)

Theo nhà nghiên cứu Minh Thái, nhạc kịch Broadway là “con đẻ” của nghệ thuật Phương Tây. Việt Nam cũng có những thể loại nhạc kịch thông qua các hình thức diễn xướng như Tuồng, Chèo, Cải lương.

Việc PPAN mang nhạc kịch theo phong cách Broadway về Việt Nam, và biến thể nó mang dáng dấp và bản sắc Việt để nói câu chuyện văn hóa Việt, giúp cho công chúng Việt thưởng thức và hiểu được thì đã “Việt hóa” thành công. Theo bà Minh Thái, làm được điều này thì cũng giống như tìm được chiếc chìa khóa để mở được một cánh cửa tương lai của sân khấu.

Trước câu hỏi về việc gọi tên tác phẩm của mình là “nhạc kịch” thay bằng “ca nhạc kết hợp kể chuyện” như hai lần trước, đạo diễn trẻ này lý giải: “Bây giờ thì mọi thứ đã khác, rất nhiều vở nhạc kịch đã được đưa về giới thiệu ở Việt Nam. Qua các kênh giải trí, phim Walt Disney khán giả trẻ đã biết nhiều về nhạc kịch đương đại (musical) việc tôi tiếp tục gọi tác phẩm của mình là ca nhạc kết hợp kể chuyện là không cần thiết nữa, không khéo lại làm mọi người không hiểu đó là gì.”

Hay nói về việc tại sao phải là chuỗi 35 đêm diễn cho "HOPE" (Mộng ước) cùng mục tiêu đạt được 10.000 lượt khán giả, PPAN chia sẻ: “Hai lần trước, nếu gộp cả vào thì tôi đã diễn hơn chục buổi rồi. Tôi thích việc đặt mục tiêu ra cho mình, thích đặt ra thử thách và cả rủi ro để làm được. Nếu đã làm lại thì ít nhất phải có gì hơn, ít nhất là về con số. Thứ nữa, tôi nghĩ tác phẩm của mình cũng vui, không có gì ghê gớm, khó hiểu. Vì thế tôi muốn nhiều người được xem hơn.”

“Cần 3 Nguyễn Phi Phi Anh thôi, sân khấu Việt Nam sẽ được giải quyết”? ảnh 5Diễn viên vở 'Đêm Hè sau cuối' sẽ khai màn tối 4/10 tại L'Espace, Hà Nội. (Ảnh: Đô Tăng)

“Tôi chỉ có một mộng ước rất là nhỏ thôi, đó là cùng với các bạn của mình làm những thứ mà chúng tôi thích. Những tác phẩm đó vừa có không khí, đậm chất nghệ thuật, vừa giải trí vui vẻ, vừa mang tinh thần rất Việt Nam. Trên hết, nó trở thành không gian để phục vụ được nhiều đối tượng, tầng lớp khác nhau, thậm chí những người chưa bao giờ nghĩ và có cơ hội được vào nhà hát xem nhạc kịch. Phải có cái gì để đáp trả, rằng nghệ thuật của Việt Nam thì không loanh quanh chỉ có thế, hay nhàm chán…”/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục