Canada lập ủy ban điều tra về phụ nữ, bé gái thổ dân bị giết

Canada đã thành lập một Ủy ban Điều tra Quốc gia về phụ nữ và bé gái thổ dân bị giết hại hay mất tích để tìm giải pháp chấm dứt tình trạng bạo lực nhằm vào hai nhóm đối tượng này.
Canada lập ủy ban điều tra về phụ nữ, bé gái thổ dân bị giết ảnh 1Bà Judge Marion Buller đứng đầu Ủy ban. (Nguồn: cbc.ca)

Ngày 3/8, Canada đã công bố danh sách các thành viên Ủy ban Điều tra Quốc gia về phụ nữ và bé gái thổ dân bị giết hại hay mất tích.

Đây là bước đi mới nhất trong nỗ lực của Chính phủ liên bang Canada nhằm tìm kiếm các giải pháp chấm dứt tình trạng bạo lực nhằm vào hai nhóm đối tượng này.

Phóng viên TTXVN tại Canada cho biết Ủy ban trên sẽ gồm 5 thành viên và do bà Marion Buller đứng đầu.

Cả 5 thành viên ủy ban đều có kiến thức đa dạng, với kỹ năng và kinh nghiệm để giúp tìm hiểu và đưa ra những giải pháp hiệu quả cho những vấn đề tồn tại liên quan đến phụ nữ và bé gái thổ dân.

Trước đó, cả 5 người này đều đã tham gia vào quy trình tham vấn, lấy ý kiến người dân, hội đoàn phụ nữ, nhóm thổ dân, chuyên gia, chính quyền các tỉnh và vùng lãnh thổ trên toàn quốc.

Bên cạnh việc thành lập Ủy ban trên, cùng ngày, Chính phủ Canada cũng thông báo dành 16,17 triệu đôla Canada (CAD) trong vòng 4 năm để thành lập và duy trì hoạt động của các Đơn vị Liên lạc Thông tin Gia đình ở 13 tỉnh và vùng lãnh thổ, đồng thời tăng ngân quỹ cho Cơ quan Hỗ trợ Nạn nhân nhằm giúp đỡ kịp thời cho các gia đình thổ dân.

Trước đó, Chính phủ Tự do của Thủ tướng Justin Trudeau đã phát động quy trình tham vấn và lấy ý kiến người dân kéo dài ba tháng, với tổng cộng 18 cuộc thảo luận trực tiếp (thu hút hơn 2.000 người tham gia) và một cuộc điều tra trên mạng (thu thập được 4.100 ý kiến đóng góp).

Chính phủ Canada dự kiến sẽ chi khoảng 53,86 triệu CAD trong vòng 2 năm từ nay đến năm 2018, cho Ủy ban Điều tra Quốc gia để giúp cơ quan này đưa ra những khuyến nghị về những hành động cụ thể trong việc giải quyết và ngăn chặn bạo lực nhằm vào phụ nữ và bé gái thổ dân, trong đó có cả việc loại bỏ tình trạng phân biệt đối xử mang tính hệ thống và xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục