Cựu Ngoại trưởng Đức bị tố "đạo văn" luận án tiến sỹ

Cựu Ngoại trưởng Đức Frank Walter-Steinmeier đã trở thành chính trị gia mới nhất của nước này đối mặt với những cáo buộc về đạo văn.
Cựu Ngoại trưởng Đức, đồng thời là nhân vật cao cấp của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) Frank Walter-Steinmeier đã trở thành chính trị gia mới nhất của nước này đối mặt với những cáo buộc về đạo văn trong luận án tiến sỹ.

Một số tờ báo Đức dẫn lời giáo sư Uwe Kamenz thuộc trường Đại học Dortmund (FH Dortmund) cho biết đã tìm thấy 400 đoạn có những "sự trùng khớp" đáng ngờ và 60 đoạn không được trích nguồn rõ ràng khi so sánh luận án tiến sỹ luật năm 1991 của ông Steinmeier tại Đại học Tổng hợp Gießen với khoảng 100 tài liệu nguồn khác.

Ông Kamenz đề nghị trường Gießen tiến hành điều tra và có thể tước bằng tiến sĩ của ông Steinmeier. Ông Steinmeier khẳng định những cáo buộc này là vô lý và cho biết sẵn sàng hợp tác nếu trường đại học cũ tiến hành xem xét lại luận văn tiến sỹ của ông.

Ông Steinmeier làm Ngoại trưởng nhiệm kỳ 2005-2009 và từ năm 2007-2009 là Phó Thủ tướng Đức. Từ tháng 9/2009 đến nay, ông là Chủ tịch đoàn nghị sỹ SPD tại Hạ viện Đức và sẽ là một trong sáu nhà lãnh đạo của đảng này tham gia đàm phán với đảng Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/SPD) bảo thủ của Thủ tướng Angela Merkel về khả năng thành lập chính phủ đại liên minh.

Vụ tố "đạo văn“ này là trường hợp mới nhất trong hàng loạt vụ bê bối liên quan đến các chính trị gia Đức. Tháng 2/2013, đồng minh của bà Merkel là bà Annette Shavan  đã phải từ chức Bộ trưởng Giáo dục sau khi bị trường Đại học Tổng hợp Duesseldorf tước bằng tiến sỹ với lý do bà đã sao chép "một cách cố ý và có hệ thống" nhiều phần trong luận án trước đây.

Năm 2011, ông Karl-Theodor zu Guttenberg cũng phải từ chức Bộ trưởng Quốc phòng sau khi việc đạo văn trong luận án của ông bị phơi bày, một hành động mà khi đó bà Shavan đã lên án là "đáng hổ thẹn."

Tại Đức, một nhóm các nhà hoạt động ẩn danh trên Internet đang tiến hành chiến dịch kiểm tra trên mạng các luận án tiến sỹ nhằm phát hiện các vụ đạo văn. Đây được xem là nguyên nhân làm nhiều chính trị gia Đức bị tước các học vị hàn lâm trong thời gian qua./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục