Đại Nguyên Dương vẫn chưa chịu thay thép vỏ tàu cho ngư dân

Đến nay Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đại Nguyên Dương vẫn không chịu thay toàn bộ thép vỏ tàu không đạt chuẩn mac A cho ngư dân Bình Định
Đại Nguyên Dương vẫn chưa chịu thay thép vỏ tàu cho ngư dân ảnh 1Hàng loạt tàu vỏ thép ở Bình Định vừa được đóng mới đã bị sét gỉ, hư hỏng nặng. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)

Diễn biến tiếp về vụ hàng loạt tảu vỏ thép của ngư dân Bình Định được đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, bị hư hỏng, đến nay Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đại Nguyên Dương vẫn không chịu thay toàn bộ thép vỏ tàu không đạt chuẩn mac A cho ngư dân.

Mới đây, các ngành chức năng tỉnh Bình Định đã tiếp tục lấy thêm 10 mẫu thép của các tàu do Đại Nguyên Dương đóng để kiểm định thêm. Kết quả đã có 9 mẫu trong số đó không đạt tiêu chuẩn mac A. Tuy vậy, công ty này vẫn không chịu thực hiện tháo toàn bộ vỏ tàu thép không đạt tiêu chuẩn để đóng lại cho ngư dân.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định Phan Trọng Hổ, cho biết kết quả giám định do Vinacontrol thực hiện với 10 mẫu thép của năm chiếc tàu mà Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đại Nguyên Dương đóng, chỉ duy nhất một tàu có mẫu thép đạt chuẩn thép mác A (thép đóng tàu biển).

Theo đó, tàu thép mang số hiệu BĐ 99018 TS của ông Võ Tuân (trú xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, Bình Định) là đủ chuẩn mác A theo quy chuẩn của Bộ Giao thông vận tải. Mẫu thép ở mạn tàu số hiệu BĐ 99027 TS của ông Trần Minh Vương (trú xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, Bình Định) đạt mác A nhưng mẫu ở đáy tàu lại không đạt do thiếu chỉ số mangan.

Ba tàu còn lại của các ông Nguyễn Văn Mạnh (trú xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, Bình Định), Nguyễn Văn Lý (trú xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, Bình Định) và Mai Văn Chương (trú xã Cát Hải, huyện Phù Cát, Bình Định) đều không đạt chỉ số mangan đối với cả hai mẫu thép được giám định.

Các ngư dân khẳng định quan điểm chiếc tàu nào đóng thép không đạt tiêu chuẩn chất lượng thì nhà máy đóng tàu phải tháo ra, thay mới bằng thép đúng chất lượng đóng tàu biển.

Trước đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đại Nguyên Dương đóng tàu cho ngư ngân bằng thép không đạt chuẩn, nên mới đi được 3 chuyến biển thì tàu đã cũ nát, hư hỏng nặng.

Ngư dân không chấp nhận phương án khắc phục sơn sửa của công ty đóng tàu mà phải thay mới thép chuẩn ​mac A Hàn Quốc theo đúng hợp đồng thanh toán.

Bởi lẽ, nếu để doanh nghiệp khắc phục, sơn sửa thép cũ thì một vài năm tới sẽ hết hạn bảo hành, thép tiếp tục hư hỏng gỉ sét, thủng vỏ tàu sẽ không có ai chịu trách nhiệm.

Có ngư dân kiên quyết trả lại tàu cho nhà máy nếu không được thay thế vỏ tàu bằng thép đúng tiêu chuẩn...

Theo hợp đồng đóng tàu theo Nghị định 67 giữa ngư dân và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đại Nguyên Dương, thép đóng tàu là thép Hàn Quốc, đạt tiêu chuẩn mac A.

Tuy vậy, khi triển khai đóng tàu cho ngư dân, công ty này đã sử dụng thép không đạt tiểu chuẩn mac A, tức là thép không được phép sử dụng để đóng tàu.

Trước tình hình này, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã có công văn yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đại Nguyên Dương phải thay toàn bộ vỏ thép không đạt tiêu chuẩn mac A cho ngư dân.

Thế nhưng công ty này vẫn chưa thực​ hiện, cố thỏa thuận với ngư dân, kéo dài thời gian, làm nhiều ngư dân nản lòng vì không có phương tiện sinh nhai mà vốn vay ngân hàng thì dồn dập lãi.

[Tiếp tục lấy 10 mẫu vỏ thép của tàu cá Bình Định để kiểm định]

Trong buổi đối thoại với ngư dân gần đây nhất, một số ngư dân đã chấp nhận để doanh nghiệp đóng tàu khắc phục sự cố bằng cách sơn lại và trả tiền chênh lệch. Bởi lẽ họ đã quá mệt mỏi với việc "nằm bờ."

Nửa năm qua, tàu hư hỏng, không đi biển được, nợ nần chồng chất, các cuộc họp kéo dài từ tỉnh, xuống huyện vẫn không thống nhất được phương án khắc phục...

Ông Nguyễn Xuân Nguyên, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đại Nguyên Dương vẫn thuyết phục các ngư dân cho doanh nghiệp khắc phục sơn sửa lại và trả lại tiền chênh lệch cho ngư dân.

Bởi lẽ, việc tháo bỏ thép cũ thay thép mới rất khó khăn, mất nhiều thời gian, trong khi doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn về tài chính.

Ngày 14/8, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đại Nguyên Dương có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định, đề nghị cho công ty được khắc phục theo phương án sơn sửa lại và hoàn trả tiền chênh lệch cho ngư dân.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định nói rằng​ tỉnh chấp nhận phương án khắc phục của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đại Nguyên Dương là không thay thế toàn bộ vỏ tàu thép kém chất lượng, mà chỉ sơn sửa lại rồi bồi thường phần chênh lệch giá thép cho ngư dân.

Doanh nghiệp đóng tàu không thể nói là do khó khăn về tài chính mà không thay thép kém chất lượng. Công ty đã nhận tiền của ngư dân mà nói không có tiền sửa chữa là vô lý, không thể chấp nhận được...

Công ty Đại Nguyên Dương phải sớm có phương án khả thi khác trình Ủy ban Nhân dân tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét. Nếu Công ty Đại Nguyên Dương cố tình chây ì, kéo dài thời gian khắc phục gây thiệt hại lớn cho ngư dân thì Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ tiếp tục đề nghị khởi tố vụ án, đồng thời hỗ trợ ngư dân khởi kiện ra tòa, đồng thời trả lại con tàu kém chết lượng cho đơn vị đóng tàu”.

Ông Châu cho biết Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nam Triệu đã hoàn tất việc sửa chữa chiếc tàu vỏ thép đầu tiên trong số 15 tàu vỏ thép công ty này nhận khắc phục, sửa chữa.

Việc sửa chửa, lắp máy mới của Công ty Nam Triệu đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của Trung tâm đăng kiểm tàu cá (Tổng cục Thủy sản), Tổ tư vấn độc lập của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ủy ban Nhân dân huyện và chủ tàu. Dự kiến cuối tháng 8/2017 việc sửa chữa 15 tàu hư hỏng này sẽ hoàn tất để ngư dân có thể ra khơi.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tại Bình Định, thực hiện Nghị định 67 các ngân hàng ở Bình Định đã ký 57 hợp đồng tín dụng, với tổng số tiền cho vay hơn 874 tỷ đồng; đã giải ngân 55 hợp đồng với số tiền 805 tỷ đồng.

Trong quá trình đưa vào khai thác, sử dụng một số tàu vỏ thép bị hư hỏng, một số tàu làm ăn không hiệu quả, dẫn đến tình trạng chậm trả nợ của khách hàng. Đến nay có 27 chủ tàu đóng mới theo Nghị định 67 đã nợ quá hạn ngân hàng số tiền lên trên 15,5 tỷ đồng.

Trong đó, có 22 chủ tàu vỏ thép Nghị định 67 nợ quá hạn do tàu vỏ thép bị hư hỏng, rỉ sét phải nằm bờ sau vài chuyến đi biển, còn 5 chủ tàu khác nợ quá hạn do đánh bắt kém hiệu quả nên không có tiền trả nợ.

Ông Phan Phú Hải, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bình Định, cho biết đang hỗ trợ ngư dân hướng dẫn việc kéo dài thời gian ân hạn, trả nợ gốc và lãi vay; cơ cấu lại nợ đối với trường hợp tàu hư hỏng nằm bờ; hướng dẫn cấp bù lãi suất cho ngư dân khi cơ cấu lại nợ do nguyên nhân tàu hư hỏng; hỗ trợ mở rộng bảo hiểm ngư lưới cụ cho ngư dân khi ngư lưới cụ bị mất, rách không đánh bắt được.

Vấn đề ở chỗ, nếu vẫn sử dụng thép không đủ tiêu chuẩn thì không ai có thể đảm bảo an toàn cho ngư dân trên biển. Tài sản hàng chục tỷ đồng lênh đênh trên biển cùng với tính mạng của hàng chục ngư dân trên mỗi tàu vỏ thép như "chỉ mành treo chuông" vì cách làm "cù nhầy" của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đại Nguyên Dương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục