Hơn 800.000 trẻ em Nigeria khốn khổ vì nhóm Hồi giáo Boko Haram

Khoảng 800.000 trẻ em đã phải rời bỏ nhà cửa do hậu quả của cuộc xung đột ở khu vực Đông Bắc Nigeria liên quan đến nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram.
Hơn 800.000 trẻ em Nigeria khốn khổ vì nhóm Hồi giáo Boko Haram ảnh 1Người mẹ bế em bé bị suy dinh dưỡng ở Nigeria. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ dẫn nguồn Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ngày 13/4 cho biết trong chưa đầy một năm qua, khoảng 800.000 trẻ em đã phải rời bỏ nhà cửa do hậu quả của cuộc xung đột ở khu vực Đông Bắc Nigeria liên quan đến nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram.

Số trẻ em phải đi lánh nạn tại Nigeria, hay vượt biên giới sang các nước láng giềng Chad, Niger và Cameroon, đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng chưa đầy một năm.

Báo cáo của UNICEF nhấn mạnh trẻ em đã trở thành mục tiêu có chủ ý của bạo lực cực đoan, lạm dụng tình dục và hôn nhân cưỡng ép.

Trẻ em cũng bị buộc phải cầm súng chiến đấu bên cạnh các nhóm vũ trang và có những thời điểm bị sử dụng làm bom sống.

Số trẻ em phải nghỉ học ở các trường tiểu học Nigeria do chiến tranh đã lên tới 10,5 triệu - cao nhất trên thế giới.

Boko Haram cũng nhằm vào các trường học, phá hủy hoặc làm hư hại nặng hơn 300 trường, giết hại 314 học sinh và 196 giáo viên.

Trước tình hình trên, UNICEF đã tăng cường ứng phó nhân đạo ở Tây và Trung Phi.

Trong sáu tháng qua, UNICEF đã hỗ trợ được hơn 60.000 trẻ em bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột ở Nigeria, Niger, Cameroon và Chad, tư vấn và hỗ trợ tâm lý xã hội để giúp các em giảm bớt nỗi đau của ký ức buồn.

UNICEF cũng đang làm việc với các đối tác để cung cấp nước sạch, dịch vụ y tế, khôi phục quyền tiếp cận giáo dục bằng cách tạo ra không gian học tập tạm thời, và cung cấp liệu pháp điều trị cho trẻ em bị suy dinh dưỡng.

Đối mặt với tình trạng thiếu hụt ngân sách nghiêm trọng, UNICEF kêu gọi các nhà tài trợ quốc tế hỗ trợ tài chính cho nỗ lực cứu trợ tại Nigeria và các nước láng giềng.

Đến nay, UNICEF mới chỉ nhận được 15% trong số 26,5 triệu USD cần thiết cho hoạt động nhân đạo ở Nigeria trong năm 2015, và không quá 17% cho Cameroon, 2% cho Niger và 1% cho Chad./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục