Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng các nước tham gia đàm phán TPP

Bộ trưởng thương mại các quốc gia tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã bắt đầu vòng đàm phán mới tại Hawaii (Mỹ).
Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng các nước tham gia đàm phán TPP ảnh 1Hội nghị đàm phán về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại thành phố Sydney, Australia ngày 25/10. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sáng nay 29/7 (theo giờ Việt Nam), bộ trưởng thương mại các quốc gia tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã bắt đầu vòng đàm phán mới tại Hawaii (Mỹ). Đây được coi là cơ hội cuối cùng để 12 nước đạt được một thỏa thuận trong năm nay, trước khi nước Mỹ chính thức bước vào "mùa bầu cử" năm 2016. Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng dẫn đầu.

Vòng đàm phán 4 ngày này dự kiến sẽ tập trung vào những vấn đề khó khăn còn tồn tại giữa các nước như quy định về quyền sở hữu trí tuệ, hoạt động của các doanh nghiệp, các điều khoản về thị trường lao động và bảo vệ môi trường, giải quyết các tranh chấp....Một trong những điểm nhấn quan trọng của vòng thương lượng lần này là liệu Mỹ và Nhật Bản - hai đối tác lớn nhất trong TPP - có thể khép lại các cuộc thương lượng về tiếp cận thị trường nông sản và ôtô của nhau hay không.

Hy vọng hoàn tất thỏa thuận trong năm nay đã gia tăng sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi cuối tháng trước được Quốc hội nước này trao quyền đàm phán nhanh, theo đó cho phép Nhà Trắng toàn quyền đàm phán các thỏa thuận thương mại với các đối tác bên ngoài và Quốc hội chỉ được quyền bỏ phiếu tán thành hoặc bác bỏ.

Đàm phán TPP được khởi động từ năm 2005 và đến nay đã thu hút sự tham gia của 12 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Các nước này đang nỗ lực hướng tới việc ký kết thoả thuận trong thời gian sớm nhất, sau khi đã bỏ lỡ hạn chót đặt ra cuối năm 2013.

Theo ước tính, một khi được ký kết, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục