Khởi công gói thầu cuối nâng cấp cầu đường sắt Bắc-Nam

Gói thầu dùng nguồn vốn vay ODA của JICA và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam để xây dựng 6 cầu đường sắt qua Ninh Thuận và Bình Thuận.
Khởi công gói thầu cuối nâng cấp cầu đường sắt Bắc-Nam ảnh 1Cầu đường sắt Nam Ô ( Đà Nẵng ) trên tuyến đường sắt Bắc-Nam trong ngày khánh thành tháng 10/2012. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Sáng 19/2, tại khu vực cầu đường sắt Tháp Chàm, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với Liên danh Rinkai (RCC) đã tổ chức lễ động thổ gói thầu xây lắp số 3C (CP3C) thuộc Dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh.

Gói thầu CP3C thuộc giai đoạn 3 và cũng là giai đoạn cuối cùng của Dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh.

Gói thầu sử dụng nguồn vốn vay ODA của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam để xây dựng 6 cầu đường sắt gồm Tháp Chàm, Sông Quao, Lòng Sông Lớn, Lòng Sông Nhỏ, Sông Lũy và Mương Mán thuộc địa phận các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.

Gói thầu do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư, đơn vị thực hiện dự án là Ban Quản lý Dự án Đường sắt (RPMU) và nhà thầu là Liên danh Rinkai (RCC). Thời gian thi công 30 tháng. Tổng nguồn vốn cho gói thầu này là hơn 490 tỷ đồng trong đó nguồn vốn ODA là hơn 780 triệu yen, vốn đối ứng của Việt Nam là hơn 310 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, thông qua dự án này, ngoài hiệu quả rõ rệt về nâng cao tốc độ và an toàn chạy tàu thì ngành đường sắt sẽ tiếp thu được những giải pháp công nghệ, phương pháp quản lý thi công đường sắt tiên tiến, tạo tiền đề thuận lợi để Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam từng bước cải thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng phục vụ trong công tác vận tải đường sắt.

Để dự án hoàn thành đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra, Thứ trưởng đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Ban Quản lý các dự án đường sắt, Tư vấn giám sát phối hợp chặt chẽ với nhà thầu và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để nhà thầu hoàn thành nhiệm vụ, đảm bảo sự thành công chung của dự án, góp phần phát triển tình hữu nghị, hợp tác giữa hai nước Việt Nam-Nhật Bản.

Tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh cùng với Quốc lộ 1A là tuyến đường vận tải huyết mạch quan trọng nhất của đất nước, được hoàn thành đưa vào sử dụng toàn tuyến từ năm 1936. Sau gần 100 năm khai thác, tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh đã xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là các công trình cầu. Tuy đã được nâng cấp và cải tạo nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu vận tải ngày một tăng cao và đã gây ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh được đầu tư xây dựng với mục đích xây dựng các cầu mới thay thế các cầu đã cũ, yếu, cải tạo đoạn đường sắt hai đầu cầu, góp phần nâng cao an toàn trong quá trình khai thác, rút ngắn thời gian chạy tàu và chi phí cho công việc vận hành. Dự án thực hiện xây dựng và nâng cấp 44 cầu, xây dựng nhà ga Ninh Bình và các hạng mục liên quan./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục