"Không thể tiếp cận đào tạo nghề cho nông dân như cho học sinh"

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng không thể tiếp cận đào tạo nghề cho nông dân như cho học sinh đi học nghề theo quan niệm bình thường.
"Không thể tiếp cận đào tạo nghề cho nông dân như cho học sinh" ảnh 1Sản phẩm giỏ hàng làm từ cây lục bình tại xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy (Hà Giang). (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Đánh giá về cách thức đào tạo nghề nông nghiệp trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho rằng không thể tiếp cận đào tạo nghề cho nông dân như cho học sinh đi học nghề theo quan niệm bình thường mà cần có cách tiếp cận khác.

Bộ trưởng yêu cầu các địa phương cần có sự xem xét và có cách làm phù hợp. Cần làm rõ và điều chỉnh cách làm quyết liệt hơn để sát với nhu cầu thực tế cuộc sống.

Thực tế cho thấy, trong cả giai đoạn 2010-2013 kết quả đạt được mới chỉ tạm dừng ở những con số mang tính chỉ tiêu, hình thức.


Nhu cầu lớn…

Theo số liệu của Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 1956), đối với giai đoạn 2011-2015, đào tạo nghề nông nghiệp cho khoảng 1,6 triệu người (trong tổng số 4,7 triệu lao động nông thôn được học nghề); giai đoạn 2016-2020 đào tạo nghề nông nghiệp cho khoảng 1,4 triệu người (trong tổng số 5,5 triệu lao động nông thôn được học nghề). Như vậy, trung bình một năm phải đào tạo nghề cho gần 300.000 nông dân tiếp tục làm nông nghiệp, đảm bảo họ có việc làm và thu nhập ổn định.

Ông Nguyễn Minh Nhạn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, thực chất từ năm 2011-2013, mỗi năm đã tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 200.000 lao động nông thôn.

Qua thực hiện đào tạo nghề và kết quả khảo sát tại một số địa phương, nhu cầu học nghề nông nghiệp có thể chia thành các nhóm sau, nhóm các hộ gia đình quy mô sản xuất nhỏ; trang trại, hợp tác xã, lao động sản xuất kinh doanh trong chuỗi giá trị như gia công, chế biến sản phẩm… (chiếm khoảng 85% tổng số lượng đào tạo) có nhu cầu được phổ biến kiến thức, cập nhật tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, tập huấn chuyên sâu với thời gian học ngắn, dưới 3 tháng.

Nhóm lao động nông thôn (khoảng 10% tổng số lượng đào tạo) cần có chứng chỉ nghề sơ cấp phù hợp để có thể làm việc cho các doanh nghiệp, hợp tác xã. Nhóm lao động nông thôn (khoảng 5%) cần đào tạo nghề trình độ sơ cấp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề để có thể làm kỹ thuật viên, dịch vụ nông nghiệp như thú y, bảo vệ thực vật, sản xuất kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi, phân bón…

“Sản xuất nông nghiệp phần lớn là theo kinh nghiệm truyển thống. Thực tế, lao động nông thôn rất cần được cập nhật tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất mới, kiến thức tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại để mang lại năng suất và hiệu quả cao hơn,” ông Nguyễn Minh Nhạn nói.


…nhưng thiếu định hướng

Theo bà Vũ Thị Bích Việt, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang, các cơ sở đào tạo cũng được đầu tư để nâng cao chất lượng. Kết quả thực hiện những năm qua tạo ra chuyển biến trong nhận thức của người nông dân và năng suất cây trồng được nâng lên. Tỉnh tập trung trồng vùng nguyên liệu mía, cam kéo theo đào tạo nghề cho lĩnh vực này. Người dân biết kỹ thuật trồng cây cam, chọn đất và đã biết cách khắc phục tình trạng thoái hóa đất.

Mặc dù vậy, bà Việt cũng thừa nhận việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn thiếu định hướng, mới tập trung vào các nghề cũ chứ chưa tạo được các nghề mới.

“Địa bàn rộng, hiểm trở nên việc đi khảo sát đăng ký học nghề cũng là một vấn đề, nay đăng ký việc này mai việc khác. Học nghề ở tỉnh vẫn phụ thuộc vào thầy giáo hiện có của trung tâm chứ chưa phải theo nhu cầu của người dân,” bà Việt chia sẻ.

Mới đây, tỉnh Tuyên Quang cũng chỉ đạo các xã lấy đoàn thanh niên là nòng cốt đi khảo sát nhu cầu học nghề của người dân, đồng thời yêu cầu ngành lao động tìm thầy theo nhu cầu đó. Đội ngũ giảng viên cho đi đào tạo giúp cho người dân có mô hình thực tế. Huyện Hàm Yên có mô hình học kỹ thuật ngay trên vườn cam khá hiệu quả.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai, ông Trần Quang Khanh cho biết, công tác đào tạo nghề hiện còn chồng lấn giữa hai ngành lao động xã hội và nông nghiệp.

Dù từ năm 2012 lĩnh vực đào tạo nghề nông nghiệp do ngành nông nghiệp phụ trách nhưng do chưa thành hệ thống nên vẫn giao cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội nên sự phối hợp còn thiếu chặt chẽ.

“Địa phương chưa phát huy được lực lượng thuộc các tổ chức đoàn thể, trong khi một số cơ sở dạy nghề chưa đầy đủ giáo trình, dụng cụ, chưa triển khai theo đúng văn bản hướng dẫn nên chất lượng chưa cao. Hầu hết các Sở Nông nghiệp hiện nay đều không bố trí được cán bộ chuyên trách theo dõi lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động nông thôn,” ông Khanh nói.

Ông Trần Quang Khanh đề xuất, tới đây cần đầu tư, xây dựng mô hình, giáo trình phù hợp với địa phương, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời tăng cường cán bộ chuyên trách về đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả của việc dạy và học.


Đào tạo trọng tâm, trọng điểm

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng suy cho cùng thì việc đào tạo nghề, thay đổi kỹ năng trong lao động cũng là để tạo điều kiện nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho nông dân. Dù có kết quả ở chừng mực nhất định nhưng chưa đáp ứng được mong đợi. Việc đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân ở nhiều nơi chưa bám sát vào quy hoạch, các chương trình đề án về tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, còn thiếu sự gắn kết với các doanh nghiệp để tạo chuỗi sản xuất hiệu quả.

“Đây là chương trình quan trọng nhưng sự quan tâm chỉ đạo cần được nâng cấp tương xứng với yêu cầu đặt ra. Với tư cách là lãnh đạo Bộ, tôi cho rằng các địa phương, đơn vị còn chưa làm việc đúng mức, cần nghiêm túc nhìn nhận và điều chỉnh trong thời gian tới,” Bộ trưởng đánh giá.

Bộ trưởng yêu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải xuất phát từ nhu cầu thực sự của nông dân, gắn với quy hoạch sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi. Do đó, các địa phương cần làm rõ hơn đối tượng ưu tiên trong chương trình đào tạo này. Các nơi cần phân biệt rõ sự khác nhau giữa công tác khuyến nông và đào tạo nghề để từ đó có cách tổ chức phù hợp.

Bộ trưởng gợi ý, trong giai đoạn 2014-2015, trọng tâm đào tạo nông dân làm lao động kỹ thuật có chứng chỉ nghề như thuyền trưởng, máy trưởng tàu đánh bắt thủy sản.

“Uu tiên đào tạo bằng được đội ngũ này, bởi ngoài ý nghĩa kinh tế xã hội còn có liên quan tới tham gia bảo vệ chủ quyền biển,” Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ngoài ra, cũng cần đào tạo một đội ngũ lên tới 10.000 dẫn tinh viên ở cơ sở, cấp chứng chỉ để chấn chỉnh công tác thụ tinh nhân tạo trong chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh và cải tạo căn bản đàn lợn giống ở nông hộ. Cùng với đó, đào cán bộ quản lý thủy lợi, hợp tác xã, chủ trang trại, gia trại cả về kỹ thuật và quản lý.

Hiện nay, lao động nông thôn phần lớn là lớn tuổi, là chủ hộ gia đình và là người đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp, do đó việc lựa chọn địa điểm tổ chức học cũng cần phù hợp, tốt nhất là ngay ở tại làng, xã thôn, ấp và thời gian học không nên kéo dài, phương pháp giảng dạy phù hợp, gắn với các mô hình sản xuất tiến bộ, lấy thực hành là chính. Đội ngũ giáo viên dạy nghề nông nghiệp cũng cần có kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp và có khả năng thực hành tốt.

Đào tạo cho lao động của các xã đã có quy hoạch phát triển sản xuất và quy hoạch xây dựng nông thôn mới được phê duyệt. Từ đó, các cơ sở dạy tập trung vào các nghề chính, thiết thực theo quy hoạch của xã. Mỗi xã lựa chọn từ 1-3 cây hoặc con chủ lực để tập trung đào tạo.

Các địa phương ngoài việc tập hợp các mô hình dạy nghề có hiệu quả để tuyên truyền nhận rộng, cũng cần tư vấn hướng dẫn người nông dân cách thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Đặc biệt, nghiên cứu chính sách cụ thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Quyết định 1956 nhằm thay đổi cơ chế chính sách hỗ trợ đối với người học nghề nông nghiệp; có cơ chế vay vốn thích hợp tạo điều kiện cho lao động nông thôn sau khi học nghề được vay vốn tạo việc làm bằng nghề đã học.

Đề nghị Ngân hàng chính sách xã hội tăng thêm nguồn vốn giải quyết việc làm hàng năm, tạo điều kiện cho người sau học nghề được vay vốn nhiều hơn, cũng như nghiên cứu một số nội dung hỗ trợ để duy trì phát triển sản xuất sau học nghề như thành lập tổ hợp tác xã, liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục