Libya: Nghị sỹ bị cản trở công nhận chính phủ đoàn kết dân tộc

Quốc hội Libya được quốc tế công nhận, đã không thể tổ chức cuộc họp bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ đoàn kết dân tộc vào ngày 23/2 do không hội đủ số đại biểu cần thiết.
Libya: Nghị sỹ bị cản trở công nhận chính phủ đoàn kết dân tộc ảnh 1Người dân Libya. (Nguồn: EPA)

Các nghị sỹ trong Quốc hội được quốc tế công nhận của Libya ngày 24/2 khẳng định sự ủng hộ đối với chính phủ đoàn kết dân tộc do Liên hợp quốc bảo trợ ở nước này, song thừa nhận rằng họ đang bị “cản trở” tham gia bỏ phiếu công nhận nội các mới.

Quốc hội được quốc tế công nhận, đóng tại thành phố Tobruk ở miền Đông Libya, đã không thể tổ chức cuộc họp bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ đoàn kết dân tộc vào ngày 23/2 do không hội đủ số đại biểu cần thiết.

Theo quy định, Quốc hội Libya cần phải có đủ 99 nghị sỹ tham gia bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ đoàn kết dân tộc mới được coi là hợp pháp.

Báo chí khu vực cho biết có 100 trong tổng số 196 nghị sỹ tuyên bố "nhất trí với thành phần nội các mới" nhưng họ đã bị “ngăn cản” bỏ phiếu sau khi nhận được những lời đe dọa.

Đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Libya Martin Kobler nhấn mạnh việc các nghị sỹ bị đe dọa là không thể chấp nhận được. Ông nêu rõ “các hoạt động tại quốc hội luôn phải được đảm bảo thông suốt trong một môi trường không có bất cứ sự đe dọa nào.”

Tuần trước, Hội đồng Tổng thống, được thành lập hồi tháng 12/2015 theo một thỏa thuận giữa đại diện các bên đối địch tại Libya do Liên hợp quốc làm trung gian, đã đề xuất một chính phủ đoàn kết dân tộc của Libya gồm có 18 thành viên, bao gồm 13 bộ trưởng và 5 quốc vụ khanh. Nội các được đề xuất trước đó với 32 bộ trưởng đã bị Quốc hội ở Tobruk bác bỏ vì có quá nhiều ghế bộ trưởng.

Libya rơi vào hỗn loạn kể từ cuộc chính biến lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.

Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC) là quốc hội đã mãn nhiệm song không chịu từ nhiệm và tự thành lập chính phủ tại thủ đô Tripoli từ tháng 8/2014 với sự hậu thuẫn của phiến quân Hồi giáo, buộc chính phủ được quốc tế công nhận phải chuyển trụ sở tới thành phố Tobruk. Tình trạng trên đẩy Libya vào tình trạng có hai chính phủ và hai quốc hội cùng tồn tại song song.

Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã lợi dụng khoảng trống chính trị và an ninh tại Libya để mở rộng địa bàn hoạt động tại đây.

Sự bành trướng của IS ở Libya đang gây lo ngại cho Mỹ và các nước châu Âu. Các nước phương Tây đã nhất trí rằng cần phải có các hoạt động quân sự để tiêu diệt IS ở quốc gia Bắc Phi này, song các cường quốc thế giới lại muốn thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc trước khi chính thức can thiệp quân sự chống khủng bố tại Libya./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục