Nhậu say vẫn lái xe là thói quen đang hình thành trong dân

Việc uống rượu bia sau đó vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông là một trong những thói quen đang hình thành nhanh của nhân dân ta.
Nhậu say vẫn lái xe là thói quen đang hình thành trong dân ảnh 1Cảnh sát giao thông đo nồng độ cồn người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, vi phạm nồng độ cồn trong máu là một nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông tuy nhiên việc kiểm soát đối với người tham gia giao thông vi phạm còn nhiều hạn chế.

“Việc uống rượu bia sau đó vẫn điều khiển phương tiện tham gia là một trong những thói quen đang hình thành nhanh của nhân dân ta,” ông Khuất Việt Hùng cho hay.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo tổng kết 5 năm thực hiện chương trình Hành động toàn cầu phòng chống lạm dụng đồ uống có cồn tại Việt Nam (2010-2014) do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp với Trung tâm quốc tế về chính sách chất có cồn (ICAP) tổ chức vào hôm nay (27/3).

Tỷ lệ vi phạm tăng chóng mặt

Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới tại Báo cáo toàn cầu về đồ uống có cồn và sức khỏe, WHO 2014, tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia chiếm 36,9% trong đó (nam giới là 36,2%; 0,7% là nữ giới); 20,8% trẻ vị thành niên nam thừa nhận đi xe sau khi uống rượu, bia và bị tai nạn cần nghỉ ít nhất một tuần.

Nghiên cứu trên 100 người tử vong do tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia (Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Việt Đức 2007-2009) có tới 59% trong độ tuổi 15-29, 24% trong độ tuổi 30-44, nam giới 97%; 82% nạn nhân có nồng độ cồn trong máu > 50mg/100ml máu; đa số là tai nạn nghiêm trọng; 68% nạn nhân có thời gian sống dưới 30 phút sau tai nạn.

Khẳng định sự vào cuộc quyết liệt từ Bộ, ban, ngành và các lực lượng chức năng nhưng tình trạng sử dụng bia, rượu khi điều khiển xe còn nhiều, tai nạn giao thông vẫn gia tăng, Đại tá Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho rằng, từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ phát hiện kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn tăng nhiều lần.

Cụ thể, từ năm 2010-2014, lực lượng cảnh sát giao thông đã tiến hành xử phạt 29.000 đến 129.960 trường hợp vi phạm đồng độ cồn điều khiển xe, số vụ tai nạn giao thông do nồng độ còn đang ở mức cao và chưa có hướng giảm. Ba tháng đầu năm 2015, cả nước đã xử lý hơn 36.000 trường hợp, 292 vụ tai nạn giao thông do nồng độ cồn.

“Mặc dù dự án đã triển khai nhưng tỷ lệ tai nạn giao thông của 3 tháng đầu năm do sử dụng rượu bia vẫn tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước,” Đại tá Dánh đánh giá.

Theo Đại tá Dánh, qua 5 năm triển khai dự án ICAP tại Việt Nam và làm thí điểm ở 8 địa phương trước khi thực hiện trên toàn quốc cho thấy, hoạt động xử lý vi phạm nồng độ cồn được nâng lên, giúp cho lực lượng cảnh sát giao thông cùng lực lượng chức năng khác tiến hành xử lý đồng bộ thông qua hoạt động khác, trong đó có xử lý vi phạm nồng độ cồn.

“Trong giai đoạn tới này, ngoài việc kiểm tra xử lý chung , có thực hiện chuyên đề xử lý nồng độ cồn, tức là xử lý sàng lọc, sau đó đi vào xử lý các vi phạm cụ thể. Nếu qua sàng lọc mà không thấy phương tiện vi phạm thì cho đi, giúp việc kiểm tra, xử lý nhanh, chính xác hơn,” vị Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông nói.

Liên quan đến một số ý kiến cho rằng, cảnh sát giao thông làm quá “gắt” với nồng độ cồn, Đại tá Dánh khẳng định, tính mạng con người là trên hết nên vẫn phải thực hiện theo chức năng nhiệm vụ để đảm bảo an toàn giao thông.

Uống say điều khiển xe cần phải xử lý hình sự

Để hạn chế được tỷ lệ người sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia yêu cầu các cơ quan chức năng trước hết cần nâng cao việc tăng cường tuyên truyền phổ biến kết hợp cưỡng chế, xử lý vi phạm về hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền, xử phạt chỉ là biện pháp răn đe, công cụ hỗ trợ nhằm nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện.

“Thời gian tới nên tập trung chủ nhà hàng và nhân viên phục vụ tại các nhà hàng để làm sao các đối tượng này phải nhận biết tác hại của lạm dụng rượu, bia và có biện pháp hỗ trợ cho khách hàng. Chính sách phòng chống lạm dụng rượu bia là cuộc chiến cần làm lâu dài, bền bỉ, kiên trì chứ không chỉ một vài năm là thực hiện xong,” ông Cường nói.

Đưa ra sự so sánh với các nước khác, Đại tá Trương Huy Hùng, Phó phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thanh Hóa cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước cần có quy định về độ tuổi uống chất có cồn, quy tụ các điểm kinh doanh bán rượu bia nhỏ lẻ về một mối để ràng buộc trách nhiệm trong việc kinh doanh bán sản phẩm tới tay khách hàng.

Khẳng định trong quá trình kiểm tra, lực lượng cảnh sát giao thông không phải ra ngoài đường chỉ phạt tiền mà trọng tâm là thay đổi nhận thức, răn đe, áp dụng các biện pháp không cho người vi phạm nồng độ cồn lưu thông trên đường, Đại tá Dánh cho biết: “Vi phạm nồng độ cồn xảy ra ở nông thôn nhiều trong khi lực lượng tuần tra kiểm soát mỏng, thiếu trang thiết bị đo, ít kiểm tra. Tuy nhiên, hiện giờ, các lực lượng đã ‘phủ’ đến các đường tỉnh, huyện lộ. Đây là sự cố gắng lớn khi chuyển dịch tuần tra, kiểm soát đến tới tận vùng nông thôn."

Đề cập về chế tài đối với vi phạm nồng độ cồn, ông Khuất Việt Hùng đánh giá, chế tài còn rất nhẹ nên người vi phạm chưa cảm nhận được lời cảnh báo do vậy, cần tăng nặng chế tài cho phù hợp để cho người dân không vi phạm hoặc giảm thiểu vi phạm.

Nhậu say vẫn lái xe là thói quen đang hình thành trong dân ảnh 2Hướng dẫn người sử dụng rượu bia trước khi tiến hành đo nồng độ. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Với đề xuất tịch thu xe đối với tài xế say rượu, theo ông Khuất Việt Hùng, Bộ Giao thông Vận tải đã tiếp nhận và đang tổ chức lấy ý kiến Bộ Công an, Tư pháp cũng như lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản hồi của dư luận. Tên cơ sở đó, trong cuộc họp Chính phủ tới đây, Bộ Giao thông Vận tải sẽ có báo cáo chính thức về đề xuất những dự thảo quy định pháp luật có liên quan tăng nặng chế tài xử lý hành chính đối với người vi phạm nồng độ cồn.

Liên quan đến đề nghị hình sự hóa việc xử lý lái xe uống quá chén điều khiển phương tiện của Tổng cục Đường bộ, Đại tá Dánh đưa ra quan điểm, đây là một đề xuất và có nhiều ý kiến đưa ra, mục đích để thực thi pháp luật tốt hơn, giải quyết các điều kiện nảy sinh vi phạm. Đây là một ý kiến của một cơ quan, Cục Cảnh sát giao thông đang nghiên cứu.

Tuy nhiên, Đại tá Dánh thừa nhận, trong luật pháp Luật Hình sự đã có nội dung này và đã có quy định về việc uống rượu bia nếu gây hậu quả nghiêm trọng là phải xử lý hình sự.

Thời gian tới, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị ICAP tiếp tục hỗ trợ Việt Nam không chỉ trong phòng chống lái xe uống rượu bia mà ở các hoạt động khác về an toàn giao thông, hạn chế tai nạn giao thông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục