Tổng thống Iran Rouhani yêu cầu IRGC không can thiệp bầu cử

Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã kêu gọi Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran, không được can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Iran dự kiến diễn ra ngày 19/5 tới.
Tổng thống Iran Rouhani yêu cầu IRGC không can thiệp bầu cử ảnh 1Tổng thống Iran Hassan Rouhani. (Nguồn: Reuters)

Ngày 17/5, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã kêu gọi Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và lực lượng dân quân Basij cũng do IRGC kiểm soát, không được can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Iran dự kiến diễn ra ngày 19/5 tới.

Đây là một lời cảnh báo hiếm thấy nhằm vào IRGC, cho thấy căng thẳng chính trị đang có dấu hiệu gia tăng tại quốc gia Hồi giáo này.

Hãng thông tấn Lao động Iran (ILNA) dẫn nội dung trong bài phát biểu tranh cử của ông Rouhani tại thành phố Mashad nêu rõ yêu cầu rằng lực lượng Basij và IRGC ở nguyên vị trí và làm công việc của mình.

Ngoài ra, ông Rouhani còn củng cố phát biểu của ông bằng cách trích dẫn lời của Đại Giáo chủ Iran trước đây Ruhollah Khomeini, vị lãnh đạo hết sức uy tín trong cuộc cách mạng năm 1979, cảnh báo lực lượng vũ trang không được can thiệp vào chính trị.

Ở Iran, IRGC hiếm khi bị chỉ trích công khai. Hiện chiến dịch tranh cử của ông Rouhani đang vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ đối thủ theo đường lối cứng rắn là giáo sĩ Ebrahim Raisi, người được cho là nhận được sự ủng hộ của IRGC.

Trước đó, vào năm 2009, có những đồn đoán cho rằng IRGC và lực lượng Basij làm giả các kết quả bầu cử nhằm trợ giúp ông Mahmoud Ahmadinejad đã dẫn tới làm sóng biểu tình trên toàn quốc khiến hàng chục người thương vong. Ông Ahmadinejad từng giữ cương vị Tổng thống trong hai nhiệm kỳ từ năm 2005-2013.

Cuộc chạy đua tranh chức Tổng thống Iran sau khi có 2 ứng cử viên rút lui sẽ chỉ còn 4 ứng cử viên, gồm Tổng thống Rouhani, ông Raisi, ông Mostafa Mirsalim theo đường lối bảo thủ và cựu Phó Tổng thống Mostafa Hashemitaba ủng hộ cải cách.

Theo các cuộc thăm dò ý kiến cử tri, Tổng thống Rouhani đang dẫn đầu, song ông sẽ phải đối mặt với thách thức từ các đối thủ theo đường lối bảo thủ do kinh tế đình trệ kéo dài.

Ông Raisi - người được cho là thân cận với Đại giáo chủ Ali Khamenei đã bác bỏ thành tựu kinh tế cũng như chính sách làm dịu căng thẳng với Phương Tây mà Tổng thống Rouhani theo đuổi.

Trong khi đó, Tổng thống Rouhani cho rằng kinh tế Iran đã được cải thiện kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống hồi năm 2013, đồng thời kêu gọi tăng cường hợp tác với các nước như một biện pháp chính nhằm thúc đẩy kinh tế.

Trong cuộc bầu cử sắp tới, số lượng cử tri đi bầu cao được cho là sẽ đem lại lợi thế cho ông Rouhani và tạo cơ hội cho vị tổng thống sắp mãn nhiệm có thể tiếp tục theo đuổi các chính sách cũng như mục tiêu còn dang dở của mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục