"Trần gia nhã nhạc - Chuyện phố bên sông”: Đêm của ký ức

Đêm “Trần gia nhã nhạc -Chuyện phố bên sông” không để lại nhiều dấu ấn mong chờ về âm nhạc. Thay vào đó, là những câu chuyện ký ức cũ, riêng tư của những nghệ sỹ của “Trần gia” lần đầu được tiết lộ..
"Trần gia nhã nhạc - Chuyện phố bên sông”: Đêm của ký ức ảnh 1Nhạc sỹ Trần Tiến hồ hởi trong đêm nhạc. (Ảnh: Mạnh Hà)

Cũng giống như nhiều đêm nhạc Trần Tiến trước đây, khán phòng Cung ​Văn hóa Hữu nghị Hà Nội gần như không còn ghế trống.

Điều đó minh chứng cho sức hút của âm nhạc Trần Tiến và những cá tính nghệ sỹ “Trần gia” không trồi sụt qua nhiều thập kỷ âm nhạc.

Ngay tiết mục mở màn, khán giả vỗ tay rất dài khi những nghệ sỹ của “Trần gia” đột ngột xuất hiện. Nghệ sỹ nhân dân Trần Hiếu trong trang phục màu trắng, nhạc sỹ Trần Tiến mặc màu đen và nữ ca sỹ Trần Thu Hà cất vang bài hát “Chào cuộc đời."

Khán giả thoáng xúc động, bởi cũng đã khá lâu họ chưa có cơ hội được thấy hai anh em nghệ sỹ Trần Hiếu và Trần Tiến tái ngộ trên sân khấu Thủ đô.

Định hướng khởi tạo một thương hiệu âm nhạc của gia đình, được tổ chức thường niên, nhưng đêm “Trần gia nhã nhạc - Chuyện phố bên sông” không để lại nhiều dấu ấn mong chờ về âm nhạc.

Thay vào đó, là những câu chuyện ký ức cũ, riêng tư của những nghệ sỹ thuộc “Trần gia” lần đầu tiên được tiết lộ, đã để lại nhiều cảm xúc trộn lẫn cho khán giả.

"Trần gia nhã nhạc - Chuyện phố bên sông”: Đêm của ký ức ảnh 2Những nghệ sỹ 'Trần gia' tụ họp trên sân khấu... (Ảnh: Mạnh Hà)

Giọng kể như văng vẳng từ miền xa vắng của nhạc sỹ Trần Tiến và cung cách dí dỏm, duyên dáng của nghệ sỹ nhân dân Trần Hiếu khiến khán giả vừa hỉ hả, vừa xúc động.

Mặc đêm nhạc bị kéo dài ngoài kịch bản lâu hơn dự kiến khoảng nửa tiếng đồng hồ, do nhạc sỹ Trần Tiến nổi hứng hát “Tổ khúc Ra ngõ” lần đầu trên sân khấu [ông còn tuyên bố, chỉ hát cho khán giả Hà Nội- PV], khán giả vẫn lưu luyến nán lại đến phút cuối.

Sân khấu đêm “Trần gia nhã nhạc - Chuyện phố bên sông” được dựng đơn sơ, ngoài tấm phông bằng vải để mô phỏng hình ảnh, thì không được trang trí, bày biện gì thêm. Dàn nhạc chơi live trên sân khấu cũng được giản lược tối thiểu.

Chốc chốc, tấm phông nền hắt bóng những gương mặt “Trần gia,” một góc phố Hà Nội, mái nhà cổ hệt tấm phim âm bản. Có cảm tưởng nghệ sỹ hát mà như  là kể chuyện.

Không có MC, chương trình do nhạc sỹ Trần Tiến kiêm luôn người dẫn chuyện. Mà tài dẫn dắt của nhạc sỹ Trần Tiến thì vẫn mê dụ, khiến người nghe khó lòng lơ đễnh phút nào. Nhưng cũng vì theo mạch tùy hứng, thành ra có vẻ “lạm dụng,” nhiều phần lê thê, bải hoải.

Hơn hai tiếng đồng hồ, có lẽ, tiếng hát của nghệ sỹ nhân dân Trần Hiếu làm nức lòng khán giả hơn cả.

Dù đã ở tuổi ngoài thất thập nhưng phong thái biểu diễn tinh nghịch mà rất đời và cách hát dư dật trải nghiệm của nghệ sỹ Trần Hiếu đã để lại xúc cảm đặc biệt với hai ca khúc “Ngẫu hứng phố” và “Cô bé vô tư.”

"Trần gia nhã nhạc - Chuyện phố bên sông”: Đêm của ký ức ảnh 3Nghệ sỹ nhân dân Trần Hiếu bên cạnh học trò Tấn Minh. (Ảnh: Mạnh Hà)

Khán giả xúc động bởi đâu đó trong những câu hát vang lên nhắc nhớ cho họ về một giọng ca nam trầm sắc bén ngày nào, những tràng pháo tay cứ thế ngân dài, không dứt như để tri ân cuộc đời một người nghệ sỹ nhân dân.

Những ca khúc mà Trần Thu Hà thể hiện trong đêm, có phần đĩnh đạc và thoải mái hơn thường thấy. Bên cạnh đó, chị cũng dành nhiều thời gian để tương tác với khán giả, chia sẻ tường tận những câu chuyện, ý nghĩa của bài hát.

Ví như, chia sẻ tếu táo của chị, để có bài hát làm nên tên tuổi của chị - “Sắc màu” thì nhạc sỹ Trần Tiến phải đổi mất một khúc… ruột thừa, khiến khán giả cười lăn. Những ca từ của bài hát này - “Một đêm trong đêm thâu/ Một vầng sáng chói lóa/ Một đêm nhớ ra ta vô hình” của nhạc sỹ Trần Tiến cũng được nữ ca sỹ luận giải tỉ mỉ về kiếp nhân sinh, vô vi của đời người.

Ngoài màn biểu diễn song ca “Em vẫn như ngày xưa” của Hoàng Hà (cháu nghệ sỹ nhân dân Trần Hiếu) và Mỹ Anh (con gái nhạc sỹ Thanh Phương) góp phần hé lộ những thế hệ triển vọng của “Trần gia,” đêm nhạc không có màn kết hợp ngẫu hứng nào gây ấn tượng sâu đậm.

"Trần gia nhã nhạc - Chuyện phố bên sông”: Đêm của ký ức ảnh 4Ba thế hệ 'trần gia' trong đêm 'chuyện phố bên sông.' (Ảnh: Mạnh Hà)

Sự xuất hiện của hai khách mời trong đêm là Tấn Minh trong các sáng tác “Về đi em,” “Chiếc vòng cầu hôn” “Tiếng trống Paranưng” (song ca với nghệ sỹ nhân dân Trần Hiếu) không đủ mới mẻ để làm khán giả bất ngờ.

Ngay cả Uyên Linh, giọng ca khiến Hà Trần kỳ vọng, vẻ như có chút áp lực trước nhận định của đàn chị “là nghệ sỹ trẻ hát nhạc Trần Tiến hay nhất” dù đã cố gắng hát khác “Mặt Trời bé con” “Mùa Thu trắng” nhưng vẫn chưa chinh phục và để lại dấu ấn với người nghe.

Toàn bộ bài hát trong chương trình là của nhạc sỹ Trần Tiến, được biên tập khá ngẫu hứng, thiếu vắng nhiều ca khúc nổi tiếng, được khán giả yêu thích, như: “Mẹ tôi,” “Quê nhà tôi ơi,” “Mưa bay tháp cổ,” “Giấc mơ Chapi,” “Ngẫu hứng sống Hồng,” “Tạm biệt chim én,” “ Lá diêu bông”...

Khán giả cũng nhận ra dáng vóc và giọng ca của nhạc sỹ Trần Tiến đã hằn vết khắc nghiệt của thời gian. Duy phong thái đầy ngẫu hứng, dí dỏm, phóng khoáng và thông tuệ là không đổi, còn nguyên mãnh lực.

Sự kiêu hãnh và tôn trọng tác phẩm, công chúng tuyệt đối sau nhiều năm cũng không chút mai một.

Trong ca khúc kết, khán giả được nghe một Trần Tiến ngạo nghễ năm xưa của thời kỳ nhạc rock. Khán giả cũng được chứng kiến, sự khái tính của ông khi ca sỹ Hà Trần cất giọng, ông liền yêu cầu dừng, và hát lại cho đúng tông.

"Trần gia nhã nhạc - Chuyện phố bên sông”: Đêm của ký ức ảnh 5Trần Thu Hà cùng con gái vÀ ca sỹ Uyên Linh. (Ảnh: Mạnh Hà)

Nhờ những câu chuyện ký ức xa xôi được kể trong đêm, khán giả được biết nghệ sỹ nhân dân Trần Hiếu hơn Trần Tiến 11 tuổi, từ bé đã ngày ngày, gánh cậu em trĩu vai.

Lớn lên, cả hai đi hai con đường khác nhau, người theo nghiệp cầm ca, người kia viết nhạc. Trấn Hiếu nói ông hiền hơn em trai. Nhưng Trần Tiến lại bảo, cũng bởi từ bé chưa bao giờ anh Trần Hiếu đánh tôi, nên bài học ở cuộc đời, tôi chẳng đánh ai bao giờ…

Chưa thỏa mãn về âm nhạc, nhưng với những chương trình có concept hoàn chỉnh và phát triển thương hiệu thành không gian âm nhạc biệt lập như “Trần gia nhã nhạc” cũng là cơ hội quý giá để khán giả tiệm cận “tảng băng chìm” là góc khuất nội tâm, khoảng hoài niệm và câu chuyện riêng tư của một gia đình nghệ sỹ tài danh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục