Việt Nam mới tốt nghiệp "cấp tiểu học" trong quỹ đạo phát triển

Trong quỹ đạo phát triển, Việt Nam mới chỉ tốt nghiệp được "cấp tiểu học," tuy đạt được thành tựu đã đưa 30 triệu người thoát nghèo, song nền kinh tế còn đối mặt với nhiều thách thức.
Việt Nam mới tốt nghiệp "cấp tiểu học" trong quỹ đạo phát triển ảnh 1Mô hình nuôi vỗ béo bò thịt giúp nhiều hộ nông dân ở Đắk Lắk thoát nghèo. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Hội thảo thường niên Nopoor lần thứ tư với chủ đề “Hoạch định chính sách giảm nghèo dựa trên bằng chứng” được Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cùng các đối tác tổ chức sáng 12/6, tại Hà Nội.

Việt Nam mới tốt nghiệp "cấp tiểu học" trong quỹ đạo phát triển

Tại hội thảo, tiến sỹ Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo, cho rằng nếu coi sự phát triển có 3 cấp như 3 cấp học tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông thì Việt Nam mới tốt nghiệp được cấp tiểu học.

Trong giai đoạn mới, Việt Nam có rất nhiều cơ hội, nhưng quan trọng là phải nắm được cơ hội để phát triển.

Để tiếp tục tiến theo quỹ đạo phát triển, một số hàm ý chính sách nên bắt đầu từ việc tháo gỡ các cản trở cũng như thiết lập các thể chế kiến tạo thúc đẩy sự phát triển các ngành tạo việc làm và sinh kế cho người lao động ít kỹ năng và dễ bị tổn thương như nông nghiệp, công nghiệp chế tạo sử dụng nhiều lao động, xây dựng, thương mại và dịch vụ nhỏ.

Riêng lĩnh vực giáo dục, bên cạnh việc tiếp tục cải thiện chất lượng của giáo dục phổ thông, thì giáo dục ở cấp sau phổ thông cần được ưu tiên đặc biệt, do đây là cấp mà chất lượng có rất nhiều bất cập, trong khi lại đóng vai trò hết sức quan trọng trong bối cảnh mới để giúp Việt Nam có thể vươn lên thoát được “bẫy gia công lắp ráp” và trong giai đoạn xa hơn là “bẫy thu nhập trung bình.”

Giáo dục mầm non cũng là cấp học chịu ảnh hưởng nhiều của sự chênh lệch giàu nghèo, trong khi nhiều nghiên cứu cho thấy đây là giai đoạn có ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển não bộ, qua đó đến cơ hội tương lai của đứa trẻ.

“Bẫy nghèo đói” và “bẫy bất bình đẳng” cần được phá vỡ bắt đầu từ đây thông qua các chính sách và đầu tư phù hợp của Nhà nước - tiến sỹ Thắng nhấn mạnh.


30 triệu người thoát nghèo nhưng kinh tế vẫn đối mặt nhiều thách thức

Theo tiến sỹ Nguyễn Thắng, ở Việt Nam, thành tựu và thách thức đan xen. Khoảng 30 triệu người thoát nghèo trong giai đoạn đổi mới là thành tựu nổi bật.

Tuy nhiên, trong ngắn đến trung hạn, nền kinh tế vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức do chưa có những đột phá trong việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế với trọng tâm là đầu tư công, hệ thống tài chính ngân hàng và khu vực doanh nghiệp Nhà nước.

Tăng trưởng chậm (dưới tiềm năng) đang là thách thức, khiến nợ xấu cao và nợ công tăng nhanh.

Tăng trưởng suy giảm cũng có những tác động bất lợi đến tạo việc làm đầy đủ và có chất lượng trên thị trường lao động - trụ cột chính của tăng trưởng bao trùm.

Dự án Nopoor thực hiện ở Việt Nam đã đáp ứng được hai chính sách chính là hợp tác và phát triển, đẩy mạnh giảm nghèo cùng hội nhập quốc tế.

Chia sẻ những kết quả đầu tiên, tiến sỹ Xavier Oudin, điều phối viên dự án cho biết, sẽ không có “một chính sách phù hợp cho tất cả,” khó đo lường nghèo đói theo thời gian, còn thiếu hụt dữ liệu cũng như cần tập trung hơn đến tương tác qua lại giữa các khía cạnh khác nhau của nghèo đói.

Chỉ số đa chiều không phù hợp sử dụng trong hoạch định chính sách. Chính sách phát triển theo ngành có thể không hiệu quả với giảm nghèo nếu không có các chính sách xã hội phù hợp đi kèm.

Tiến sỹ Xavier Oudin nhấn mạnh tầm quan trọng của các nhà nghiên cứu để đưa ra các kết quả thật chính xác, tránh được khuyến nghị chung chung./. 

Ông Franz Jessen, Đại sứ Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết, Nopoor là sáng kiến của Liên minh châu Âu, với 20 cơ quan tham gia đến từ 17 quốc gia tại 4 châu lục với rất nhiều cơ hội được mở ra cho các nhà nghiên cứu trên thế giới.

Nội dung nghiên cứu là diễn biến nghèo đói trên thế giới và mỗi quốc gia trong các bối cảnh khác nhau, nhấn mạnh tính tương tác giữa các mối quan hệ liên quan đến đói nghèo.

Đến năm 2020, dự án đầu tư nâng cao khả năng cạnh tranh của các quốc gia cũng như ứng phó với các thách thức như bất bình đẳng, an sinh xã hội, phát triển nhà nước pháp quyền, quản trị nhà nước./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục