Hướng tới xây dựng chương trình giảm nghèo bền vững, hiệu quả

Dự kiến đến cuối năm, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 5%. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 2%/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm trên 5%/năm.
Hướng tới xây dựng chương trình giảm nghèo bền vững, hiệu quả ảnh 1Một hộ nghèo được vay vốn để thoát nghèo. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Ngày 15/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã kết thúc.

Tại phiên họp này, các đại biểu đã nghe báo cáo của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội về thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình quốc gia 2011-2015 thuộc phạm vi của Bộ và đề xuất cho giai đoạn sau năm 2015.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa đã báo cáo về tình hình và đề xuất các giải pháp thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo; Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm-dạy nghề; Chương trình hành động phòng, chống mại dâm; Chương trình quốc gia về bình đẳng giới; Chương trình quốc gia an toàn lao động, vệ sinh lao động.

Hiện tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 5,8-6% cuối năm 2014. Dự kiến đến cuối năm nay, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 5%. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo chung cả nước giảm 2%/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân trên 5%/năm, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra giai đoạn 2012-2015.

Đánh giá về chương trình giảm nghèo, ông Nguyễn Thanh Hòa nhìn nhận, kết quả giảm nghèo hiện nay chưa vững chắc. Mặc dù tỉ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60-70%.

Về chương trình giảm nghèo, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, hiện nay vẫn còn sự trùng lắp giữa chương trình giảm nghèo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội với chương trình xây dựng nông thông mới; trong đó, chủ yếu trùng lắp về địa bàn, đối tượng (phần lớn là người dân ở vùng nông thôn) và chủ trương, chính sách (về hạ tầng, hỗ trợ sản xuất và truyền thông nâng cao năng lực).

Trong khi đó, đề xuất về giải pháp giảm nghèo bền vững, đại biểu Phạm Đức Châu đề nghị, cần phải tập trung công tác giảm nghèo ở những địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao, không đầu tư dàn trải; đồng thời, thực hiện song song với công tác chống tái nghèo. Bên cạnh đó, nên có thêm khái niệm mới về “xã cận nghèo,” để có các chương trình hỗ trợ cần thiết cho người dân trong xã.

Theo bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, chỉ tiêu về giảm nghèo hiện vẫn do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thực hiện, vì chính sách này liên quan đến từng đối tượng cụ thể.

Về sự trùng lắp các chương trình, hiện Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất các giải pháp. Khi đi vào các chương trình cụ thể, các bộ sẽ rà soát lại cho phù hợp.

Hướng tới chương trình giảm nghèo bền vững, bà Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ rà soát, thống kê lại xem bao nhiêu phần trăm hộ nghèo không thể thoát nghèo (do bị bệnh, không có nguồn thu nhập, mất sức lao động…), từ đó tách các hộ nào ra để có những hỗ trợ cụ thể. Dự kiến tháng Chín tới, Bộ sẽ trình Chính phủ về chuẩn nghèo mới cho phù hợp với tình hình thực tế vì chuẩn nghèo hiện nay là rất thấp.

Các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận về công tác phòng chống mại dâm, cai nghiện ma túy; đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động. Nhiều đại biểu cho rằng, cần xem xét lại chỉ tiêu đào tạo nghề và cách thống kê lao động qua đào tạo nghề cho đúng thực tế, không nên duy ý chí, đề ra chỉ tiêu quá cao mà không thể thực hiện được…

Sau 3 ngày làm việc, phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội kết thúc vào ngày 15/4.

Tại phiên họp này, các đại biểu đã nghe báo cáo giải trình, thảo luận về các nội dung thực hiện chỉ tiêu kinh tế-xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình quốc gia 2011-2015 thuộc phạm vi của Bộ Y tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Công an; thẩm tra báo cáo của Chính phủ về quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội; quản lý Nhà nước về cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động khám chữa bệnh.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục