4.800 công nhân mỏ đồng lớn nhất thế giới đình công

Ngày 14/8, khoảng 4.800 công nhân tại mỏ đồng lớn nhất thế giới là Escondida ở miền Bắc Chile đã tiến hành đình công trong 24 giờ.
Ngày 14/8, khoảng 4.800 công nhân tại mỏ đồng lớn nhất thế giới là Escondida ở miền Bắc Chile đã tiến hành đình công trong 24 giờ, yêu cầu tăng tiền thưởng hàng năm và cải thiện điều kiện làm việc.

Người phát ngôn Công đoàn mỏ Escondida, ông Marcelo Tapia cho biết công nhân yêu cầu một khoản tiền thưởng thêm tương đương với số tiền thưởng 5.000 USD trong năm ngoái, song hiện ban lãnh đạo mỏ không muốn trả số tiền thưởng này.

Bên cạnh đó, các công nhân tham gia bãi công còn yêu cầu tháo dỡ máy quay giám sát trong hầm mỏ. Theo công đoàn, nếu các yêu cầu trên không được đáp ứng, họ sẽ kéo dài cuộc đình công vô thời hạn.

Hiện ban quản lý mỏ chưa đưa ra bất kỳ lời bình luận nào.

Năm 2011, công đoàn lao động tại mỏ Escondida từng phát động cuộc bãi công kéo dài hai tuần, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của khu mỏ khổng lồ này.

Trước đó, năm 2006, công nhân mỏ này cũng đình công gần một tháng để đòi tăng lương và cải thiện điều kiện lao động.

Nằm tại bang Antofagasca, cách thủ đô Santiago de Chile 1.300km về phía Bắc, mỏ đồng Escondida là mỏ đồng lớn nhất ở Chile với sản lượng khai thác khoảng 3.000 tấn/ngày. Năm ngoái, mỏ đồng này khai thác được tổng cộng 1,1 triệu tấn, thu về số tiền lên tới hơn 3.000 tỷ USD.

Chile hiện là nước sản xuất đồng lớn nhất thế giới, cung cấp gần 1/3 sản lượng kim loại màu này của toàn cầu.

Cùng ngày 14/8, tại nước láng giềng Peru, hơn 1.000 nhân viên kiểm soát không lưu đã tham gia cuộc đình công kéo dài ba ngày, yêu cầu tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc và giảm giờ làm.

Cuộc đình công của nhân viên kiểm soát không lưu cùng với một số dịch vụ liên quan khác đã gây ra sự chậm trễ cho nhiều chuyến bay nội địa và quốc tế.

Lãnh đạo công đoàn các hãng hàng không và sân bay Peru cho biết thu nhập hàng tháng của các nhân viên điều khiển ở mức từ 359 USD tới 1.258 USD, trong khi một số người phải làm việc tới 16 tiếng/ngày do thiếu nhân lực.

Chính phủ Peru đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp đối với giao thông hàng không trong khu vực, đồng thời điều động các nhân viên kiểm soát không lưu của không quân thay thế để giảm bớt mức độ ảnh hưởng của cuộc đình công./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục