63 năm tù cho nhóm đối tượng chống phá Nhà nước

Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã mở phiên tòa lưu động xét xử 8 bị cáo bị truy tố với tội danh “Phá hoại chính sách đoàn kết.”
Ngày 28/5, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã mở phiên tòa lưu động xét xử 8 bị cáo bị truy tố với tội danh “Phá hoại chính sách đoàn kết” theo Điều 87 Bộ luật Hình sự.

Các bị cáo gồm: Runh (sinh năm 1979, trú tại làng Kret Krot, xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai); A Hyum- tên thường gọi là Bã Kôl (sinh năm 1940, trú tại làng Kon Kơ Lơng, xã Dăk Tơ Re, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum); A Tách - tên thường gọi là Bă Hlôl (sinh năm 1959, trú tại thôn 4, làng Kon Hrầm, xã Đăk Tơ Re, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum); Jơnh - tên thường gọi là Chình (sinh năm 1952, trú tại làng Kret Krot, xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai); Byưk (sinh năm 1945, trú tại làng Kret Krot, xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai); Đinh Hrôn (sinh năm 1981, trú tại làng Kuk Kông, xã An Thành, huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai); Đinh Lứ (sinh năm 1976, trú tại làng Kuk Kông, xã An Thành, huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai) và Y Gyin (sinh năm 1942, trú tại làng Ktu Hơ Moong, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum).

Sau khi tranh tụng và nghị án tại phiên tòa, Hội đồng xét xử tuyên án các bị cáo: A Tách 11 năm tù, Runh 10 năm tù, Jơnh 9 năm tù, A Hyum và Byưk mỗi bị cáo 8 năm tù, Đinh Lứ và Đinh Hrôn mỗi bị cáo 7 năm tù, Y Gyin 3 năm tù.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai: Từ năm 2002, đối tượng Y Gyin đã tung tin đồn là có “Đức mẹ hiện hình ở Hà Mòn” (còn gọi là Đức mẹ Pluk) để tuyên truyền, lôi kéo người dân tham gia tụ tập cầu nguyện (trong đó có A Tách và A Hyum) với mục đích phản đối lại chủ trương của chính quyền tỉnh Kon Tum về việc di dời nơi ở của đồng bào dân tộc thiểu số đến nơi ở mới để xây dựng công trình thủy điện.

Mặt khác, với mong muốn trở thành người “nổi tiếng” được nhiều người biết đến và tôn sùng mình như Đức mẹ Maria, nên Y Gyin bịa đặt ra việc “Đức mẹ hiện hình ở Hà Mòn” để tuyên truyền nhiều người tham gia nhằm thành lập một tôn giáo riêng của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Để có nhiều người tin và nghe theo mình, Y Gyin đã lựa chọn và lôi kéo một số người lớn tuổi và có uy tin trong vùng dân tộc thiểu số và lập ra Ban giúp việc gồm: A Hyum chịu trách nhiệm chỉ đạo chung việc tuyên truyền; Thư lý ghi chép làm tài liệu tuyên truyền gọi là “sứ điệp” gồm có: Tơk, Đút (ở làng Kon Klơng, xã Dăk Tơ Re, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum), Căt (ở làng Kon Jreh, xã Đăk Pla, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) và Tút (ở làng Kon Hrầm, xã Đăk Tơ Re, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum).

Các đối tượng này đã in “sứ điệp” với nội dung có tính kích động, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc. Từ năm 2002 đến khi bị bắt, Y Gyin cùng với Ban giúp việc đã sử dụng nhiều tài liệu gọi là “sứ điệp” đi tuyên truyền “Đức mẹ hiện ra ở Hà Mòn,” tổ chức tập huấn cho các “giáo phu” ở các tỉnh Kon Tum, Đắk Lăk, Gia Lai.

Đối với tỉnh Gia Lai, Y Gyin đã truyền và hướng dẫn tập sự 4 lần: 3 lần ở nhà Jơnh (làng Kret Krot, xã Hra, huyện Mang Yang), 1 lần ở nhà Tơng (làng Bờ Chăk, xã Hra, huyện Mang Yang). Trong quá trình hoạt động, Jơnh được giao làm Trưởng giáo phu ở Gia Lai và đã cùng với Rưnh, Byưk, Đinh Hrôn, Đinh Lư, Rưn, Lý, Chi đã xây dựng được 63 giáo phu ở các làng Kret Krot, Bờ Chăk, KDung I, xã Hra; làng Drah, làng Alao, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang và hơn 1.000 người ở các làng Kuk Kôn, Kuk Ddak, xã An Thành, huyện Đăk Pơ tin theo. Riêng các làng Kon Maha, Kon Nak, xã Hà Đông, huyện Đắk Đoa; làng Kon Kơ Mó, xã Hà Tây, huyện Chư Păh thì A Huyn và A Tách đã trực tiếp tuyên truyền lôi kéo được 30 người tin theo.

Ở Kon Tum: Y Gyin, A Hyun và đồng bọn đã tuyên tuyền lôi kéo được khoảng hơn 2.000 người ở 5 huyện Kon Rẫy, Đắk Hà, Đắk Tô, Ngọc Hồi, Sa Thầy và thành phố Kon Tum tin theo. Còn đối với tỉnh Đăk Lăk Y Gyin cùng A Hyun cũng đã lôi kéo được hơn 300 người tin theo.

Năm 2008, thông qua thân nhân gia đình, A Huyn đã liên hệ bằng điện thoại với Joan A (tức là A Mal, nguyên quán ở phường Hòa Bình, TP Kon Tum) đang sống lưu vong ở Mỹ nhờ can thiệp giúp đỡ việc tuyên truyền “Đức mẹ hiện ra ở Hà Mòn” được tự do.

Joan A và tổ chức FULRO lưu vong ở Mỹ, đứng đầu là Ksor Kơk đã chỉ đạo là sử dụng phương thức, thủ đoạn lợi dụng vấn đề “dân tộc” và “tôn giáo” để hoạt động tuyên truyền tạo niềm tin lôi kéo tập hợp lực lượng chuẩn bị điều kiện thành lập “nhà nước riêng” cho người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên gồm 4 tỉnh: Gia Lai, Đăk Lăk, Kon Tum và Lâm Đồng.

Sau khi thành lập “nhà nước riêng” sẽ chia ra thành 8 tỉnh và lấy thành phố Pleiku (Gia Lai) làm thủ đô của “nhà nước riêng.”

Bằng những lời xuyên tạc để lừa dối và đe dọa với người dân tộc thiểu số, bọn chúng đã tuyên truyền: “nhà nước riêng” sắp thành công rồi, khi đó sẽ được sung sướng, sẽ có nhiều đất đai và giàu có. Nếu ai không theo thì sau này “nhà nước riêng” thành công thì sẽ không cho sinh sống ở trong làng. Từ năm 2008, A Tách, A Hyun và Y Gyin đã nhiều lần trực tiếp đến Gia Lai tuyên truyền về “Đức mẹ Pluk” và “nhà nước riêng.”

Với nội dung ở Mỹ có Ksor Kớt, Di, Nếp, Joan A thường xuyên liên lạc với A Tách, A Hyum và nói họ đang giúp đỡ người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên thành lập “nhà nước riêng”. A Tách và A Hyum giao cho Runh, Jơnh, Byưk, Đinh Hrôn và Đinh Lư giữ chức vụ đứng đầu tổ chức FULRO trên địa bàn tỉnh các tỉnh Tây Nguyên...

Nhân dân ở 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum đã rất đồng thuận với mức án Tòa đã tuyên bằng những chứng cứ thuyết phục và đúng với những quy định của pháp luật của Nhà nước ta./.

Quang Thái (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục