7 vấn đề chính để duy trì ổn định, hòa bình, phục hồi kinh tế ASEAN

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần 56 (AMM-56) và các hội nghị AMM với các nước đối tác (PMC) sẽ thảo luận 7 vấn đề chính nhằm duy trì ổn định, hòa bình, khả năng phục hồi kinh tế trong khu vực.
7 vấn đề chính để duy trì ổn định, hòa bình, phục hồi kinh tế ASEAN ảnh 1Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi phát biểu tại một cuộc họp báo ở Jakarta. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Từ ngày 11-14/7, tại thủ đô Jakarta của Indonesia diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 (AMM-56) và các hội nghị AMM với các nước đối tác (PMC), với nội dung thảo luận tập trung vào 7 vấn đề chính nhằm duy trì ổn định, hòa bình và khả năng phục hồi kinh tế trong khu vực.

Phát biểu họp báo ngày 7/7, bà Retno Marsudi, Ngoại trưởng Indonesia - quốc gia giữ chức Chủ tịch ASEAN năm 2023, cho biết chuỗi hội nghị trên sẽ thảo luận về việc tăng cường thực thi các nguyên tắc trong Hiến chương ASEAN và các bộ quy tắc ứng xử như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có Vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) nhằm kiến tạo hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.

Chương trình nghị sự thứ hai của chuỗi hội nghị này là tiếp tục củng cố các biện pháp xây dựng lòng tin (CBM), đồng thời bắt đầu tăng cường ngoại giao phòng ngừa với sự hồi sinh của các cơ chế Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vốn rất quan trọng đối với sự ổn định và thịnh vượng của khu vực.

[Khai mạc Hội nghị thường niên của Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai]

Ba chương trình nghị sự tiếp theo bao gồm khuyến khích các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân (NWS) ký kết Nghị định thư SEANWFZ; hoàn thiện Hướng dẫn nhằm đẩy nhanh hoàn tất đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC); thảo luận về hợp tác cụ thể liên quan đến an ninh lương thực, cấu trúc y tế khu vực, hợp tác hàng hải và chuyển đổi năng lượng trong đó có phát triển hệ sinh thái xe điện.

Chương trình nghị sự thứ sáu là thiết lập Tầm nhìn Hàng hải ASEAN - một tài liệu rất chiến lược nhằm tăng cường sức mạnh tổng hợp và tránh trùng lặp trong hợp tác hàng hải giữa 12 cơ quan chuyên ngành của ASEAN và là tài liệu tham khảo cho các nước đối tác trong hợp tác hàng hải với ASEAN.

Bên cạnh đó, chuỗi hội nghị sắp tới sẽ thảo luận việc triển khai AOIP bằng cách lồng ghép hợp tác với các nước đối tác, thông qua việc tổ chức Diễn đàn Cơ sở Hạ tầng ASEAN-Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào tháng 9.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Indonesia cho hay nội dung chính cuối cùng là sự can dự lần đầu tiên của ASEAN với Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương (IORA) và Diễn đàn Các quốc đảo Thái Bình Dương (PIF) như một phần trong nỗ lực triển khai AOIP nhằm duy trì ổn định và hòa bình khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục