Ngày 19/2, Thứ trưởng Bộ Môi trường Brazil Everon Lucero cho biết diện tích rừng Amazon ở nước này bị tàn phá hoặc bị đốt trong năm 2016 đã lên tới mức báo động với 8.000km2, tăng gần 30% so với năm ngoái.
Theo ông Lucero, nạn phá rừng gia tăng do nhiều nguyên nhân, song chủ yếu do bất ổn chính trị và khủng hoảng kinh tế khiến công tác quản lý và giám sát của Nhà nước trong lĩnh vực này kém hiệu quả.
Trong hàng chục năm qua, người dân đã phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất rừng sang đất canh tác để sản xuất nông nghiệp, khai hoang những vùng đất mới để trồng các loại cây độc canh như đậu tương, mía và ngô cũng như phát triển chăn nuôi bò tại khu vực rừng Amazon.
Điều phối viên Chiến dịch Hòa bình xanh của Brazil Nilo d'Ávila lý giải một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do có sự đầu cơ đất đai. Nhiều người đã tự khai phá rừng, sau đó tuyên bố sở hữu những vùng đất mà họ đã khai phá, trong khi trên thực tế những vùng đất này thuộc sự quản lý Nhà nước.
Theo ông d'Ávila, trong hai thập kỷ qua, Brazil đã trở thành cường quốc nông nghiệp nhờ có lợi thế về tự nhiên và khí hậu, cũng như việc áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, cho phép nước này thu hoạch đậu tương hai vụ trong năm.
Thống kê cho thấy kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp của quốc gia Nam Mỹ này đã đạt 85 tỷ USD trong năm 2016, trong đó giá trị xuất khẩu thịt đạt 14 tỷ USD, trong khi xuất khẩu đậu tương và các sản phẩm chiết xuất từ loại hạt này đạt 25 tỷ USD. Năm nay, sản lượng nông nghiệp của Brazil dự tính sẽ đạt mức kỷ lục nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi và giá một số mặt hàng nông phẩm tăng trở lại.
Brazil là quốc gia xuất khẩu thịt bò lớn thứ hai thế giới sau Australia với đàn bò hơn 210 triệu con. Hồi năm 1974, nông dân nước này đã nuôi 15,8 triệu con bò tại các bang thuộc vùng Amazon và tới năm 2015, con số này đã lên tới 75 triệu con. Việc các trang trại nuôi bò xâm lấn đất rừng Amazon đã diễn ra trong suốt giai đoạn 1964-1985, tàn phá và làm mất 20% diện tích rừng tự nhiên của khu vực này trong suốt ba thập niên./.