ADB hạ dự báo tăng tưởng kinh tế năm 2019 của các nước châu Á

Các nước châu Á đang phát triển có thể tăng trưởng chậm hơn so với dự báo trước đây do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung gây nhiều thiệt hại đối với các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu trong khu vực.
ADB hạ dự báo tăng tưởng kinh tế năm 2019 của các nước châu Á ảnh 1Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất kem ở Naroda, gần Ahmedabad, Ấn Độ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các nước châu Á đang phát triển có thể tăng trưởng chậm hơn so với dự báo trước đây do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung gây nhiều thiệt hại đối với các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu trong khu vực.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra nhận định trên trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á công bố ngày 26/9.

Trong báo cáo, ADB giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng kinh tế 6% năm 2018 của khu vực châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển gồm 45 nền kinh tế, song hạ dự báo tăng trưởng của khu vực này trong năm 2019 từ mức 5,9% dự báo trước đây xuống 5,8%, mức thấp nhất đối với khu vực này kể từ mức tăng trưởng 4,9% năm 2001.

['Xu hướng bảo hộ kinh tế toàn cầu thách thức các nền kinh tế châu Á']

Nền kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 6,3% trong năm 2019, thấp hơn so với mức dự báo 6,4% đưa ra hồi tháng Bảy và cũng thấp hơn mức dự báo tăng trưởng 6,6% trong năm 2018.

Các nước Nam Á được cho là vẫn phát triển nhanh nhất trong khu vực, theo đó ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng của các nước này ở mức 7% năm 2018 và 7,2% năm 2019. Tuy nhiên, ADB hạ dự báo tăng trưởng của các nước Đông Nam Á trong năm 2018 từ mức 5,2% đưa ra hồi tháng Bảy xuống 5,1%, do tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của các nước này ở mức vừa phải, tỷ lệ lạm phát tăng, nguồn vốn đổ ra ngoài và cán cân thanh toán mất cân bằng...

ADB dự báo tỷ lệ lạm phát trên toàn khu vực vẫn trong vòng kiểm soát nhờ các yếu tố mang tính đặc thù quốc gia như tỉ lệ lạm phát giá lương thực ở mức vừa phải tại Ấn Độ và Trung Quốc, Indonesia và Malaysia thực hiện trợ giá nhiên liệu. ADB giữ nguyên dự báo tỷ lệ lạm phát năm 2018 ở mức 2,8% và nâng dự báo tỷ lệ lạm phát trong năm 2019 lên 2,8% từ mức dự báo 2,7% đưa ra hồi tháng Bảy.

Theo nhà kinh tế hàng đầu của ADB, Yasuyuki Sawada, có nhiều yếu tố rủi ro có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế khu vực này, bao gồm căng thẳng thương mại Mỹ-Trung ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng trong khu vực, nguy cơ nguồn vốn đổ ra bên ngoài nếu Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất với tốc độ nhanh hơn.

ADB đưa ra dự báo trên trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang sau khi Mỹ ngày 24/9 chính thức áp mức thuế 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đồng thời Bắc Kinh đáp trả với mức thuế tương ứng đối với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục