Căng thẳng trước bầu cử

Ai Cập căng thẳng trước bầu cử tổng thống vòng hai

Trước thềm bầu cử tổng thống vòng 2, Ai Cập lại rơi vào tình trạng căng thẳng chính trị với các tranh cãi giữa các phe phái và biểu tình.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, nhiều lực lượng chính trị tại Ai Cập cùng các ứng cử viên bị loại trong cuộc bầu cử tổng thống vòng một vừa qua ở nước này đang đề xuất thành lập hội đồng tổng thống, song cựu Tổng thư ký Liên đoàn Arập (AL) Amr Moussa - cũng là một ứng cử viên thất cử, đã lên tiếng bác bỏ ý tưởng này.

Hội đồng tổng thống được đề xuất bao gồm ứng cử viên tổng thống của tổ chức Anh em Hồi giáo, ông Mohamed Morsy, cùng các cựu ứng cử viên Hamdin Sabahi và Abu Fotouh - hai người về thứ ba và thứ tư trong cuộc bầu cử vòng một, nhằm đối mặt với cựu Thủ tướng Ahmed Shafiq - ứng cử viên về nhì và sẽ tham gia tranh cử vòng hai.

Ông Morsy sẽ đứng đầu hội đồng này, chức phó dành cho hai ứng cử viên còn lại. Nhiều nhà hoạt động xem thành công của ông Shafiq trong vòng một là sự trở lại của chính quyền Mubarak.

Cùng chung ý tưởng này còn có người sáng lập đảng Hiến pháp, ông Mohamed ElBaradei. Ông muốn thành lập một chính phủ liên minh dân tộc, bao gồm tất cả các lực lượng cách mạng và các đảng phái để đối mặt với ứng cử viên Shafiq trong vòng cuối bầu cử tổng thống. Ông cho biết "sẵn sàng thành lập một hội đồng tổng thống chịu trách nhiệm điều hành đất nước trong giai đoạn hiện nay, nếu tất cả các lực lượng dân sự đồng ý."

Trong phát biểu ngày 3/6 phản ứng về việc này, ông Moussa cho rằng đề xuất trên là bất hợp pháp và chỉ phục vụ những lợi ích cá nhân. Ông nhấn mạnh: "Việc thành lập hội đồng tổng thống đe dọa tiến trình dân chủ và sự ổn định của đất nước. Phán quyết cuối cùng phải là các lá phiếu, thể hiện ý nguyện tự do của nhân dân." Ông Moussa khẳng định cần phải tiến hành bầu cử tổng thống vòng hai theo đúng kế hoạch vào ngày 16-17/6 tới.

Cùng ngày, các cuộc thương lượng kín đã diễn ra giữa các ứng cử viên Morsy, Sabahi và Fotouh. Ông Sabahi và Fotouh vốn tách ra từ phong trào Anh em Hồi giáo năm 2011 và ra tranh cử với một quan điểm chính trị ôn hòa hơn. Theo nguồn tin tham gia cuộc gặp, hai ứng cử viên này đã quyết định ủng hộ ông Morsy trong vòng hai. Tuy nhiên, cũng có những cử tri từng ủng hộ Sabahi nay quyết định sẽ bỏ phiếu cho ông Shafiq vì phản đối ứng cử viên của Anh em Hồi giáo.

Các cử tri sống ở nước ngoài đã bắt đầu cuộc bỏ phiếu vòng hai từ ngày 3/6.

Trong khi đó, bản án chung thân mà tòa tuyên đối với cựu Tổng thống Hosni Mubarak đã làm gia tăng căng thẳng trước thềm cuộc bầu cử vòng hai. Ngày 3/6, khoảng 20.000 người biểu tình tại quảng trường Tahrir kêu gọi một cuộc nổi dậy mới, cho rằng bản án dành cho ông Mubarak và các nhân vật khác bị buộc tội sát hại người biểu tình trong làn sóng biểu tình hồi năm 2011 là chưa công bằng, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục biểu tình cho tới khi công lý được thực thi.

Cùng ngày, Trưởng Công tố Ai Cập đã quyết định bắt đầu thủ tục kháng cáo đối với phán quyết trắng án cho 6 quan chức an ninh cấp cao bị buộc tội sát hại người biểu tình. Với phán quyết của tòa, 5 trong số 6 người này được trả tự do. Riêng ông Hassan Abdel Rahman, người đứng đầu bộ máy an ninh quốc gia vừa bị giải thể, vẫn bị giam giữ để điều tra về cáo buộc ông đã hủy các tài liệu an ninh quốc gia. Tất cả 6 nhân vật trên vẫn bị cấm ra nước ngoài./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục