Ai Cập-Ethiopia-Sudan đàm phán thất bại về đập Đại phục hưng

Sau 17 tiếng đàm phán, các quan chức ba nước Ai Cập-Ethiopia-Sudan đã không đạt được thỏa thuận về các vấn đề liên quan đến đập thủy điện Đại phục hưng gây tranh cãi của Ethiopia.
Ai Cập-Ethiopia-Sudan đàm phán thất bại về đập Đại phục hưng ảnh 1 Ngoại trưởng Ibrahim Ghandour (giữa) tại vòng đàm phán ở Khartoum. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngoại trưởng Sudan Ibrahim Ghandour ngày 6/4 cho biết, vòng đàm phán mới nhất vừa diễn ra tại thủ đô Khartoum nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại liên quan đến dự án đập thủy điện Đại phục hưng mà Ethiopia xây dựng trên sông Nile đã kết thúc mà không đạt được kết quả nào.

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngoại trưởng và người đứng đầu cơ quan tình báo các nước Ai Cập, Ethiopia và Sudan đã gặp nhau tại thủ đô Khartoum của Sudan ngày 5/4 và sau 17 tiếng đàm phán, các quan chức ba nước đã không đạt được thỏa thuận về các vấn đề liên quan đến đập thủy điện Đại phục hưng gây tranh cãi của Ethiopia.

Phát biểu trước báo giới, Ngoại trưởng Sudan Ibrahim Ghandour nói: "Chúng tôi đã không đạt được thỏa thuận nào. Chúng tôi đã thảo luận cả ngày theo chỉ đạo của lãnh đạo ba nước, song vẫn chưa thể đạt được sự thống nhất về các vấn đề kỹ thuật."

[Ethiopia bác đề nghị mời WB làm trọng tài vấn đề đập Đại Phục hưng]

Ông Ghandour cho biết thêm hiện các bên vẫn chưa ấn định được lịch trình cho vòng đàm phán tiếp theo. Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry cũng thừa nhận vòng đàm phán mới tại Khartoum giữa Ai Cập, Ethiopia và Sudan về chi tiết kỹ thuật của dự án Đại phục hưng đã không đạt được kết quả đáng kể nào.

Vòng đàm phán mới nhất này được tổ chức sau khi lãnh đạo các nước Ai Cập, Ethiopia và Sudan có cuộc gặp cấp cao tại Addis Ababa (Ethiopia) vào tháng trước và nhất trí phá vỡ thế bế tắc kéo dài nhiều tháng qua xung quanh đập Đại phục hưng của Ethiopia.

 

Căng thẳng bắt đầu gia tăng giữa Ai Cập và Ethiopia khi Addis Ababa khởi công dự án đập thủy điện Đại phục hưng trên nhánh Nile Xanh vào năm 2012.

Đập thủy điện có tổng kinh phí hơn 4 tỷ USD và công suất 6.000 MW, tương đương với 6 nhà máy điện hạt nhân.

Đây là đập thủy điện lớn nhất châu Phi, với dung lượng hồ chứa lên tới 74 tỷ m3. Chính phủ Ethiopia coi dự án là một "dấu mốc lịch sử", giúp khắc phục tình trạng thiếu điện và phát triển kinh tế.

Ai Cập lo ngại đập thủy điện Đại phục hưng sẽ làm giảm nguồn cung nước sông Nile của nước này. Là quốc gia dựa gần như hoàn toàn vào nguồn nước sông Nile để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và trồng trọt, Ai Cập tuyên bố nước này có các "quyền lịch sử" đối với sông Nile, vốn được đảm bảo bằng các hiệp ước được ký kết từ năm 1929 đến năm 1959.

Cairo khẳng định các hiệp ước này cho phép Ai Cập thụ hưởng 87% lưu lượng nguồn nước sông Nile và trao quyền cho nước này phủ quyết các dự án ở thượng nguồn.

Vấn đề mà Cairo quan ngại trước tiên là tốc độ làm đầy hồ chứa của đập Đại phục hưng, bởi sự sụt giảm nguồn nước sông Nile sẽ ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp của quốc gia Bắc Phi này.

Về phần Sudan, nước này lúc đầu cũng lo ngại về tác động của đập Đại phục hưng nhưng trong những tháng gần đây Sudan đã ủng hộ dự án này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục