Chính phủ Ai Cập đang tìm mọi cách để hạn chế ảnh hưởng dây chuyền của việc tăng giá năng lượng đồng loạt trong những ngày qua, trong đó có điện và các loại nhiên liệu.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 5/7, Thủ tướng Ai Cập Ibrahim Mahlab nhấn mạnh việc tăng giá nhiên liệu sẽ không có bất kỳ tác động nào đến giá thực phẩm, đồng thời cho biết các thương nhân và chủ các công ty vận tải hành khách đã cam kết hạn chế biên độ tăng giá vé.
Ông Mahlab nhận định việc tái cơ cấu các khoản trợ cấp cùng với việc "vẽ lại" bản đồ của nền kinh tế quốc gia sẽ giúp tăng số lượng người dân được hưởng an ninh xã hội lên mức 3 triệu người, thực hiện công bằng xã hội và dành ngân sách tiết kiệm được lên tới 51 tỷ bảng (khoảng 7 tỷ USD) mỗi năm cho các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục và xóa bỏ các khu nhà ổ chuột.
Thủ tướng Mahlab khẳng định Chính phủ của ông sẽ là "Chính phủ chiến đấu", đồng thời kêu gọi người dân Ai Cập cùng nhau đoàn kết cũng như thấy rõ các thách thức của đất nước trong giai đoạn hiện nay, từ đó ủng hộ chính quyền thực hiện các biện pháp cải cách trong tất cả các lĩnh vực.
Cùng ngày, Bộ trưởng Giao thông Ai Cập Hany Dahy tuyên bố việc cắt giảm trợ cấp nhiên liệu sẽ không tác động lớn đến giá vé tàu điện ngầm, vé tàu hỏa và vé xe buýt. Trong khi đó, Thống đốc Cairo Galal Mostafa al-Said cho biết đã phê duyệt mức tăng 15-20% đối với giá vé vận tải công cộng nội đô cho tất cả các khoảng cách, đồng thời yêu cầu giám sát chặt chẽ việc áp dụng mức giá mới.
Trước đó, hôm 4/7, trang thông tin của nội các Ai Cập cho biết Thủ tướng Mahlab đã có cuộc gặp và đạt được thỏa thuận với đại diện các hãng taxi, xe buýt và các công ty vận tải công cộng khác về việc khống chế mức tăng giá vé trong khoảng 5-10%. Tuy nhiên, ngày 5/7, nhiều tài xế taxi đã tổ chức biểu tình và phong tỏa giao thông tại một số tỉnh thành nhằm phản đối quyết định tăng giá nhiên liệu của Chính phủ.
Ngoài ra, bắt đầu từ 0 giờ ngày 5/7, Ai Cập đã áp dụng mức giá nhiên liệu mới với mức tăng cao nhất lên tới 175% nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách và cải cách nền kinh tế trì trệ sau hơn 3 năm bất ổn chính trị.
Trong năm tài chính 2013-2014 kết thúc vào ngày 30/6 vừa qua, trợ cấp thực phẩm và nhiên liệu ước chiếm tới 1/4 chi tiêu ngân sách của Ai Cập. Bản dự toán ngân sách này đã được thông qua ngay sát thời hạn chót ngày 30/6 với mức thâm hụt ngân sách được cắt giảm 48 tỷ xuống còn 240 tỷ bảng (33,5 tỷ USD), tương đương với 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Dự luật trợ cấp nhiên liệu cũng được điều chỉnh xuống còn 100 tỷ (14 tỷ USD) so với mức đề xuất ban đầu là 144 tỷ bảng (20 tỷ USD).
Hôm 3/7, Chính phủ Ai Cập cũng thông qua kế hoạch xóa bỏ hoàn toàn trợ cấp năng lượng trong vòng 5 năm tới bắt đầu từ tháng 7 này. Theo đó, giá điện sẽ bắt đầu tăng dần kể từ tháng này và sẽ tăng hơn gấp 2 lần trong vòng 5 năm tới. Điều này sẽ giúp Chính phủ tiết kiệm tới 67% ngân sách trợ cấp hàng năm dành cho ngành điện, từ 27,4 tỷ bảng (hơn 3,8 tỷ USD) trong năm tài chính 2014-2015 xuống còn 9 tỷ bảng (1,25 tỷ USD)./.