AMMR 2022: Indonesia kêu gọi triển khai hành lang du lịch ASEAN

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi khẳng định Thỏa thuận hành lang du lịch ASEAN có thể được thực hiện thông qua các thỏa thuận song phương cũng như toàn diện.
AMMR 2022: Indonesia kêu gọi triển khai hành lang du lịch ASEAN ảnh 1Du khách tại sân bay Ngurah Rai, Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 17/2, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nhận định Thỏa thuận hành lang du lịch ASEAN (ATCAF) đang diễn ra chậm chạp và cần được tăng tốc nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế khu vực hậu đại dịch COVID-19.

Phát biểu họp báo trực tuyến sau khi kết thúc Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMMR) tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia, Bộ trưởng Marsudi khẳng định rằng ATCAF có thể được thực hiện thông qua các thỏa thuận song phương cũng như toàn diện. Bà Marsudi nhấn mạnh: “Vì lý do này, Indonesia khuyến khích đẩy nhanh việc triển khai ATCAF, thông qua các thỏa thuận song phương cũng như mở cửa toàn diện với các quy trình nghiêm ngặt về y tế.”

ASEAN đã thảo luận về ATCAF từ năm 2020 nhằm cho phép người dân trong khu vực tự do đi lại trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

[ASEAN nhất trí mở cửa trở lại ngành du lịch trong bối cảnh đại dịch]

Từ cuối tháng 1/2022, Indonesia đã mở cửa Nongsapura ở đảo Batam và Lagoi ở đảo Bintan cho du khách đã được tiêm phòng từ Singapore mà không cần cách ly nhập cảnh.

Hôm 16/2, Singapore thông báo rằng làn đi lại vaccine (VTL) qua đường biển từ các đảo Batam và Bintan của Indonesia sẽ được triển khai vào ngày 25/2 tới. Hồi tháng 11/2021, Indonesia và Malaysia cũng thông báo sẽ bắt đầu triển khai hành lang du lịch, song thông tin chi tiết vẫn chưa được xác nhận.

Về vấn đề Myanmar, bà Marsudi cho biết: “Tất cả các nước ASEAN đều mong đợi các tiến bộ trong việc thực thi Đồng thuận 5 điểm,” đồng thời khẳng định rằng điều này có ý nghĩa quan trọng đối với người dân Myanmar.

Bà Marsudi cũng cho biết các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã nhắc lại lập trường về tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại Biển Đông thông qua việc soạn thảo một Bộ quy tắc ứng xử (COC) thực chất và hiệu quả, phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục