Anh khắc phục phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai

Có tới 50% phụ nữ mang thai ở Anh phải chịu bất lợi trong công việc, các gia đình tại nước này thiệt hại 12 triệu bảng/năm khi phụ nữ mang thai bị mất việc làm.

Ngày 4/11, Chính phủ Anh đã bắt đầu một chương trình nghiên cứu mới nhằm khắc phục tình trạng phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai tại nơi làm việc.

Khoảng 1 triệu bảng Anh (khoảng 1,59 triệu USD) sẽ được Chính phủ Anh dành để tài trợ cho chương trình nghiên cứu độc lập này, giúp điều tra tình trạng phân biệt đối xử đối với phụ nữ mang thai tại Anh và những ảnh hưởng của nó trong gia đình cũng như nền kinh tế.

Theo Bộ Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Anh, có hơn 9.000 vụ kiện chủ lao động Anh do phân biệt đối xử đối với phụ nữ mang thai từ năm 2007.

Nghiên cứu gần đây nhất về phân biệt đối xử đối với phụ nữ mang thai được thực hiện cách đây 10 năm. Theo đó, các gia đình tại Anh thiệt hại tới 12 triệu bảng mỗi năm khi người phụ nữ mang thai bị mất việc làm. Nghiên cứu còn cho thấy có tới 50% phụ nữ mang thai trên toàn nước Anh phải chịu bất lợi trong công việc, đơn giản là việc phải nghỉ sinh con, ngoài ra khoảng 30.000 phụ nữ cho biết họ bị ép buộc thôi việc.

Bộ trưởng Phụ nữ và Bình đẳng giới Maria Miller cho rằng việc phụ nữ phải chịu sự phân biệt đối xử khi mang thai là "không thể chấp nhận được."

Theo bà, đây là vấn đề mang tính hệ thống, khiến phụ nữ cảm giác mình bị đánh giá thấp và bị trừng phạt chỉ vì mang thai. Nghiên cứu mới sẽ điều tra hành vi của chủ lao động đối với người lao động là những phụ nữ mang thai và trải nghiệm của những phụ nữ này tại nơi làm việc nhằm cung cấp chứng cứ về phạm vi, nguyên nhân và ảnh hưởng của tình trạng phân biệt đối xử đối với phụ nữ mang thai và nghỉ sinh con.

Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền và Bình đẳng (EHRC) của Anh, Mark Hammond cho hay việc một bộ phận phụ nữ vẫn gặp bất lợi tại công sở chỉ vì đang mang thai là trái pháp luật và cần được giải quyết.

Ông khẳng định nghiên cứu mới sẽ thu thập thêm những chứng cứ và tiến hành những phân tích chuyên môn nhằm đưa ra những khuyến nghị tốt nhất giúp giải quyết tình trạng đáng báo động này.

Ngoài ra, EHRC cũng tổ chức một chiến dịch giáo dục với mục tiêu nâng cao nhận thức của chủ lao động và người lao động về quyền lợi và nghĩa vụ của phụ nữ mang thai và nghỉ sinh con./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục