Áp dụng Nhãn Du lịch Bông sen xanh trong cơ sở lưu trú du lịch

Nhãn Bông sen xanh là nhãn hiệu cấp cho các cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, góp phần bảo vệ các di sản, phát triển kinh tế, văn hóa của địa phương.
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Ngày 1/7, tại thành phố Cần Thơ diễn ra hội thảo "Áp dụng Nhãn Du lịch bền vững Bông sen xanh trong hệ thống cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam," do Tổng cục Du lịch-Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Nhãn Bông sen xanh ra đời do Tổng cục Du lịch khởi xướng và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt, ban hành Bộ tiêu chí Nhãn Du lịch bền vững Bông sen xanh, trên cở sở nghiên cứu, học tập kinh nghiệm từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Tại Việt Nam, Nhãn Bông sen xanh là nhãn hiệu cấp cho các cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, góp phần bảo vệ các di sản, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Nhãn Bông sen xanh có năm cấp độ, từ 1-5 bông sen xanh. Số lượng bông sen xanh trên nhãn ghi nhận mức độ nỗ lực trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của cơ sở lưu trú du lịch, không phụ thuộc vào loại, hạng mà cơ sở lưu trú du lịch đó đã được công nhận.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết hiện số cơ sở lưu trú trong cả nước đăng ký tham gia và công nhận Nhãn Du lịch bền vững Bông sen xanh chưa nhiều. Cả nước có 33 khách sạn được trao chứng nhận Nhãn Du lịch bền vững Bông sen xanh cấp độ từ 1-5, chủ yếu tập trung ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận, Vũng Tàu, Bắc Ninh; khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chưa có cơ sở lưu trú du lịch nào được cấp chứng nhận Nhãn Du lịch bền vững Bông sen xanh.

Theo Tổng cục Du lịch, trong giai đoạn 2008-2014, các cơ sở lưu trú du lịch cũng đạt tăng trưởng trung bình năm hơn 15%, với tổng số trên 1.500 cơ sở và khoảng 30.000 buồng (gấp 2 lần so với năm 2008).

Hiện cơ sở lưu trú du lịch khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chiếm tỷ lệ 8% số cơ sở và 9% số buồng trong toàn quốc, tập trung chủ yếu ở một số tỉnh, thành như Kiên Giang, Cần Thơ, Long An, An Giang, Tiền Giang, An Giang, Hậu Giang. Số cơ sở lưu trú du lịch ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long được xếp hạng chưa nhiều, những loại hình homestay trong khu vực với 145 cơ sở với khoảng 1.000 buồng, chiếm tỷ lệ cao so với cả nước (khoảng 20% về cơ sở, 25% số lượng buồng).

Tại hội thảo, các đại biểu cũng cho rằng, sự phát triển với quy mô lớn và tốc độ nhanh của các cơ sở lưu trú du lịch ở Việt Nam nói chung và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng trong thời gian gần đây đang xuất hiện nhiều yếu tố đi ngược với phát triển bền vững.

Nhiều vùng, điểm du lịch truyền thống, nổi tiếng, có nhiều tiềm năng phải chịu những áp lực khá lớn từ các khía cạnh môi trường như ô nhiễm gây hủy hoại môi trường; sự xuống cấp của môi trường kinh tế, xã hội và nhân văn; những hạn chế trong nhận thức đã làm giảm hiệu quả kinh tế do du lịch mang lại, có nguy có làm xấu hình ảnh của du lịch Việt Nam trong giai đoạn tới.

Trước thực tế này, nhiều chuyên gia cho rằng vấn đề phát triển bền vững trong các cơ sở lưu trú du lịch cần được giải quyết nghiêm túc, sao cho vừa kinh doanh với hiệu quả cao nhưng đảm bảo phát triển lâu dài. Trong đó, vấn đề đặt ra đối với cơ sở lưu trú du lịch cả nước và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới là tuyên truyền để các cơ sở lưu trú du lịch hiểu về phát triển bền vững, thay đổi cách quản lý, nghiên cứu các công nghệ mới và đăng ký cấp Nhãn Du lịch bền vững Bông sen xanh trong thời gian tới.

Với danh hiệu khách sạn xanh sẽ giúp các cơ sở lưu trú du lịch có thêm công cụ và lợi thế để xây dựng chiến lược marketing, triển khai hoạt động marketing mix cho nhãn hiệu được cấp. Việc áp dụng Nhãn Du lịch bền vững Bông sen xanh không những giúp phát triển bền vững trong khối cơ sở lưu trú du lịch mà còn phù hợp với định hướng phát triển du lịch Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế trong du lịch.

Hướng đến mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong bối cảnh hội nhập, Tổng cục Du lịch cho biết thời gian tới sẽ phối hợp với các địa phương trong vùng giới thiệu các giải pháp phát triển bền vững, các công nghệ xanh áp dụng trong cơ sở lưu trú du lịch, các tiêu chí về du lịch xanh đang áp dụng trong du lịch nhằm động viên các cơ sở lưu trú trung khu vực tích cực đăng ký Nhãn Du lịch bền vững Bông sen xanh. Từ đó tạo hiệu ứng với toàn xã hội cùng tham gia cải thiện môi trường, quyết tâm thực hiện các hoạt động có trách nhiệm với ngành du lịch bằng những hành động thiết thực, phù hợp với xu hướng phát triển du lịch thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục