AU bác bỏ giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng Libya

Giới chức Libya và các nhà lãnh đạo khu vực châu Phi cùng khẳng định việc chấm dứt xung đột ở nước này chỉ có thể đạt được thông qua một thỏa thuận chính trị.
AU bác bỏ giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng Libya ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 28/1, giới chức Libya và các nhà lãnh đạo khu vực châu Phi cùng khẳng định việc chấm dứt xung đột ở nước này chỉ có thể đạt được thông qua một thỏa thuận chính trị.

Sau cuộc gặp với Nhóm Tiếp xúc quốc tế về Libya (ICG-L) của Liên minh châu Phi (AU) trước thềm hội nghị cấp cao của các nhà lãnh đạo trong khu vực, dự kiến diễn ra ngày 30/1 tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, Bộ trưởng Ngoại giao Libya Mohamed Dayri khẳng định thỏa thuận chính trị là giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng tại Libya.

ICG-L được thành lập bởi Hội đồng Hoà bình và An ninh AU bao gồm các quốc gia trong khu vực như Algeria, Chad, Ai Cập, Niger, Sudan, Tunisia, cũng như Liên đoàn Arab, Liên minh châu Âu (EU) và Liên hợp quốc.

Chủ tịch Uỷ ban AU Nkosazana Dlamini-Zuma cũng nhấn mạnh "tình hình tại Libya không thể giải quyết bằng vũ lực mà phải thông qua các thoả thuận chính trị giữa các phe phái đối địch tại nước này. AU sẵn sàng hỗ trợ họ đạt được mục tiêu trên."

Trong khi đó, đặc phái viên Liên hợp quốc tại khu vực Sahel Hiroute Guebre Sellassie cảnh báo "hiện có nhiều nhóm vũ trang đang kiểm soát các vùng lãnh thổ tại Libya và sự can thiệp quân sự là vô nghĩa."

Về phần mình, Bộ trưởng Dayri cho biết Libya nhận thức được sự quan ngại của nhiều nước trước tình hình an ninh ngày một xấu đi tại quốc gia Bắc Phi này.

Nguồn tin ngoại giao cho hay một số quốc gia như Niger và Chad vốn ủng hộ hành động quân sự nhằm vào các nhóm phần tử thánh chiến và cực đoan tại Libya, hiện cũng đã tán thành giải pháp chính trị.

Nhận định về vòng đàm phán thứ hai giữa các bên tham chiến tại Libya vừa kết thúc ngày 27/1 vừa qua tại Geneva, Thuỵ Sĩ, Bộ trưởng Dayri cho biết kết quả đàm phán là tích cực.

Ba năm sau làn sóng chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, Libya vẫn đang phải đối mặt với tình trạng bạo lực leo thang nghiêm trọng và bế tắc chính trị với sự tồn tại của hai chính phủ, hai quốc hội.

Hiện liên minh Hồi giáo Fajr Libya đang chiếm thủ đô Tripoli và lập chính phủ riêng, trong khi chính phủ được quốc tế công nhận của Libya đã phải rời trụ sở về thành phố Al-Beida, cách thủ đô Tripoli 1.200 km, sau khi từng tạm hoạt động tại các thị trấn Tobruk và Shohat ở cực Đông đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục