Ba Lan, Séc kêu gọi EU lập thêm quỹ hỗ trợ dòng người tị nạn Ukraine

Thủ tướng Ba Lan Morawiecki nêu rõ nước này và Séc đã nhất trí gửi kiến nghị lên Ủy ban châu Âu, yêu cầu cơ quan này lập thêm các quỹ mới để hỗ trợ những người tị nạn chạy trốn xung đột ở Ukraine.
Ba Lan, Séc kêu gọi EU lập thêm quỹ hỗ trợ dòng người tị nạn Ukraine ảnh 1Người dân Ukraine sơ tán tránh chiến sự tại thành phố Irpin, phía Tây Bắc Kyiv, Ukraine ngày 5/3/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 29/4, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết nước này và Cộng hòa Séc sẽ yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) thiết lập thêm những nguồn tài chính mới nhằm tạo điều kiện cho hai nước hỗ trợ dòng người tị nạn từ Ukraine.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Thủ tướng Morawiecki nêu rõ: "Chúng tôi (Ba Lan và Cộng hòa Séc) đã nhất trí gửi kiến nghị lên Ủy ban châu Âu, yêu cầu cơ quan này lập thêm các quỹ mới để hỗ trợ những người tị nạn chạy trốn xung đột."

Theo ông Morawiecki, sáng kiến này sẽ sớm được trình lên EC.

Cũng trong ngày 29/4, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Ba Lan và Slovakia cho biết Warsaw sẵn sàng bảo vệ không phận của Slovakia trong thời gian Bratislava đình chỉ hoạt động của các máy bay tiêm kích MiG-29 - một động thái mở đường cho khả năng cung cấp lô máy bay do Liên Xô sản xuất này cho Ukraine.

Slovakia hiện vận hành 12 máy bay MiG-29. Đầu tháng này, Slovakia cho biết sẽ xem xét khả năng cung cấp lô máy bay này cho Ukraine nếu có thể thu xếp được biện pháp khác nhằm bảo vệ không phận trong nước.

Phát biểu trong cuộc họp báo với người đồng cấp Ba Lan Mariusz Blaszczak, Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Jaroslav Nad nêu rõ: “Tôi nhận được lời xác nhận rằng Ba Lan sẵn sàng bảo vệ không phận Slovakia kể từ thời điểm Slovakia quyết định đình chỉ hoạt động của số máy bay tiêm kích MiG-29.”

Theo ông, Slovakia đang xúc tiến thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết cho một động thái như vậy.

Về phần mình, Bộ trưởng Blaszczak cho biết Ba Lan có thể vận dụng kinh nghiệm của mình trong việc tuần tra không phận các nước vùng Baltic.

[Canada, Pháp lại cấp vũ khí cho Ukraine, Mỹ thúc đẩy gói hỗ trợ mới]

Ông nói: “Các nhiệm vụ này sẽ được thực hiện từ lãnh thổ của Ba Lan… Theo quy định, chúng tôi sẽ mở rộng phạm vi hoạt động của nhóm trực chiến sử dụng máy bay F-16 của Ba Lan.”

Tuy nhiên, hai quan chức trên không cho biết thời điểm Ba Lan bắt đầu thực thi nhiệm vụ bảo vệ không phận Slovakia. 

Theo kế hoạch, Slovakia sẽ tiếp nhận lô hàng đầu tiên của máy bay tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất vào năm 2024.

Đây sẽ là đợt chuyển giao đầu tiên trong thương vụ tổng cộng 18 chiếc máy bay mà hai bên đã đạt thỏa thuận vào năm 2018./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục