Bác cáo buộc nghe lén

Các tổng biên tập The Sun bác cáo buộc nghe lén

Tổng biên tập đương chức và những người tiền nhiệm tại The Sun bênh vực tờ báo này trong cuộc điều trần về vụ bê bối nghe lén điện thoại.
Tổng biên tập đương chức và những người tiền nhiệm tại tờ báo khổ nhỏ The Sun, thuộc sở hữu của trùm báo chí Rupert Murdoch, đã lên tiếng bênh vực tờ báo này trong cuộc điều trần liên quan tới vụ bê bối nghe lén điện thoại diễn ra hôm 9/1, đồng thời nói rằng tờ lá cải bán chạy nhất nước Anh này là "một lực lượng mạnh mẽ đấu tranh vì cái tốt."

Trong khi đó, tờ Time ngày 9/1 cho biết Thủ tướng David Cameron có tới "99,9% chắc chắn" sẽ bị triệu tập tới cơ quan điều tra cùng người tiền nhiệm Gordon Brown và lãnh đạo Công đảng hiện thời, ông Ed Miliband.

Các nhân viên tại tờ báo bán chạy nhất nước Anh cho ủy ban điều tra Leveson ở London biết rằng họ không có chứng cứ nào cho thấy tờ The Sun có tội trong vụ bê bối nghe lén đã dẫn tới việc tờ News of the World bị đóng cửa.

Kelvin MacKenzie - tổng biên tập The Sun giai đoạn 1981-1994 - nói rằng tờ báo đã cẩn trọng hơn sau vụ bê bối. Trước đó, hồi năm 1992, MacKenzie nói với Thủ tướng lúc bấy giờ, ông John Major, rằng mình sẽ ném "một chiếc giỏ đầy phân" vào người ông này, sau khi Anh rời khỏi Cơ chế Tỷ giá Hối đoái châu Âu.

Trùm báo chí Rupert Murdoch cũng đã tức giận khi The Sun phải nộp phạt tới 1 triệu bảng vào cuối những năm 1980 vì tội nhục mạ ca sĩ Elton John.

Dominic Mohan, người là tổng biên tập The Sun từ năm 2009, nói rằng tờ báo có thể "trở thành một lực lượng mạnh mẽ vì cái tốt" thông qua các chiến dịch, sự ủng hộ cho từ thiện và các nỗ lực để giải thích những ý tưởng phức tạp bằng một thứ ngôn ngữ rõ ràng, dễ hiểu.

Cựu phóng viên chuyên đưa tin về các ngôi sao này cũng đã hạ thấp tác động từ một lời bình luận ông đưa ra hồi năm 2002 về một vụ nghe lén điện thoại ở tờ báo khổ nhỏ đối địch, Daily Mirror.

Khi đó, Mohan nói rằng hành động của Daily Mirror là "sự gian lận" và là một câu "chuyện khôi hài" do tổng biên tập tờ Mirror khi đó, ông Piers Morgan, gây ra. Morgan hiện đang dẫn một chương trình đối thoại trên kênh truyền hình CNN, đã nói rằng ông không biết gì về chuyện nghe lén khi bị điều tra hồi tháng trước.

Mohan cũng kêu gọi việc tạo ra "một sân chơi" hợp pháp cho báo chí Anh và Internet, bởi “việc quản lý quá mức có thể chứa tác động chết người tới ngành công nghiệp báo chí hiện đang vật lộn để sinh tồn.“

Tổng biên tập hiện nay của tờ báo, Duncan Larcombe, lại nói với cơ quan điều tra nằm dưới sự lãnh đạo của thẩm phán cao cấp Brian Leveson, rằng ông đã tiếp xúc với điện Buckingham trước khi đăng bất kỳ tin tức riêng nào về gia đình hoàng gia.

Thủ tướng Anh David Cameron đã yêu cầu mở cuộc điều tra trong bối cảnh xảy ra vụ bê bối khiến tờ News of the World phải đóng cửa sau khi có hành vi xâm nhập vào các hòm thư thoại trên điện thoại di động để moi móc thông tin.

Theo nguồn tin thân cận với cuộc điều tra, bản thân Cameron cũng sẽ bị triệu tập sau tháng Năm để trả lời các câu hỏi về mối quan hệ của ông với Rupert Murdoch, tờ Times đưa tin.

"Ta sẽ không thể xem xét mối quan hệ giữa báo chí và các chính trị gia nếu không thẩm vấn được các chính trị gia hàng đầu, gồm thủ tướng, người tiền nhiệm của ông và lãnh đạo phe đối lập," nguồn tin riêng nói với tờ Times.

Vụ bê bối hiện đang đe dọa sẽ nhấn chìm tờ The Sun, vốn cũng đang đối diện một đơn kiện nghe lén khác. Tờ báo đã bác bỏ mọi cáo buộc.

Rất nhiều người đã bị bắt sau bê bối nghe lén, gồm cựu tổng biên tập Sun kiêm giám đốc công ty truyền thông News International, Rebekah Brooks và cựu tổng biên tập News of the World Andy Coulson, người từng giữ vai trò phát ngôn viên của thủ tướng Cameron.

Cựu trợ lý của Brook được cho là đã bị bắt hồi tuần trước vì âm mưu xóa các bức thư điện tử thuộc về News International, chi nhánh ở Anh của đế chế truyền thông của Murdoch./.

Gia Bảo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục