Bạc Liêu: Chủ động nhiều giải pháp ứng phó hạn mặn mùa khô 2023-2024

Để ứng phó với các tác động của hạn hán, xâm nhập mặn đối với vụ mùa 2023-2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng 3 kịch bản phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn với 3 cấp độ khác nhau.

Thi công cống ngăn mặn. (Ảnh: Công Trí/TTXVN)
Thi công cống ngăn mặn. (Ảnh: Công Trí/TTXVN)

Trong khi tỉnh Bạc Liêu đang bước vào mùa khô 2023-2024, ngành nông nghiệp cùng các địa phương đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp ứng phó bảo vệ sản xuất để hạn mặn không còn nỗi lo của nông dân.

Vụ lúa trên đất tôm năm 2023-2024, tỉnh Bạc Liêu xuống giống 42.000ha. Những ngày này, không khí đồng án nhộn nhịp hẳn, bởi nông dân tập trung thu hoạch lúa. Người dân cho biết, chưa năm nào năng suất lúa trên đất tôm đạt cao đến 1kg mỗi mét vuông. Càng vui hơn khi thương lái thu mua lúa với giá từ từ 10.000-11.500 đồng/kg, cao hơn rất nhiều so với năm trước.

Theo đánh giá của ngành chức năng, lúa đạt năng suất cao phụ thuộc nhiều yếu tố; trong đó, quan trọng là ngành nông nghiệp đã chủ động bố trí khung lịch thời vụ, cơ cấu giống lúa thích nghi và làm tốt công tác dự báo, thông báo tình hình liên quan đến sản xuất. Kết quả là lúa trên đất tôm được gieo sạ và thu hoạch sớm, trúng mùa, tránh được hạn mặn.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu Ngô Nguyên Phong cho biết, để ứng phó với các tác động của hạn hán, xâm nhập mặn đối với vụ Mùa 2023-2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng 3 kịch bản phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn với 3 cấp độ khác nhau.

Đồng thời, đề nghị các cấp ngành chuẩn bị kế hoạch ứng phó phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa Khô năm 2023-2024 theo kịch bản 2 với giả định tình huống diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô 2023-2024 gay gắt tương đương mùa khô 2015-2016.

Để thực hiện có hiệu quả kịch bản phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất với các giải pháp cụ thể.

Diện tích lúa Tài nguyên trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi thu hoạch từ giữa tháng 1 đến giữa tháng 2/2024 khả năng bị ảnh hưởng thiếu nước lúc cuối vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, củng cố ô đê bao, trạm bơm, trang bị những động cơ bơm di động để khi có nắng hạn kéo dài gây thiếu nước ngọt sẽ có giải pháp đảm bảo tưới tiêu nước phục vụ sản xuất.

Trong khi đó, đối với sản xuất lúa vụ lúa trên đất tôm 2023-2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khuyến cáo sử dụng giống lúa ngắn ngày, chịu mặn để đảm bảo năng suất lúa. Đồng thời nông dân cần gia cố bờ bao tích trữ nước ngọt, cùng với đó là theo dõi diễn biến mặn trên đồng ruộng và kênh rạch để áp dụng các biện pháp thay nước để giảm mặn trên ruộng.

Đối với lúa vụ Đông Xuân 2023-2024, khi nhận thấy nguy cơ thiếu nước ngọt, nắng hạn kéo dài, các địa phương cần khuyến cáo nông dân không sản xuất ở những khu vực không có hệ thống ô đê bào khép kín hoặc không chủ động được nguồn nước ngọt phục vụ bơm tác. Dự kiến diện tích ở những khu vục này gần 3.000ha.

Kế hoạch sản xuất mùa Khô 2023-2024, tỉnh Bạc Liêu gieo sạ trên 42.200ha lúa trên đất tôm; gần 45.000ha lúa Đông Xuân; thả nuôi 146.000 ha thủy sản...

Theo ông Ngô Nguyên Phong, bên cạnh việc cơ cấu lại lịch mùa vụ để chủ động ứng phó và giảm thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn, ngành nông nghiệp còn quan tâm vận hành điều tiết nước phục vụ sản xuất lúa và nuôi tôm một cách phù hợp.

Ngành nông nghiệp cũng đầu tư trên 21 tỷ đồng thực hiện duy tư, sửa chữa cống, trạm bơm, máy bơm; triển khai kế hoạch đắp 448 đập tạm để tổ chức bơm chuyền cấp và trữ nước ngọt cho lúa đông xuân phòng, chống hạn mặn.

Cùng với ngành nông nghiệp, các địa phương cũng đầu tư hạ tầng, nhất là đầu tư xây dựng mới các cống, nạo vét các tuyến kênh thủy lợi để bảo vệ sản xuất lúa, hoa màu và nuôi trồng thủy sản.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Giá Rai Đỗ Minh Thắng cho biết để bảo vệ 7.000ha lúa trên đất tôm, thị xã đã đầu tư cây dựng 21 cống trị giá 114 tỷ đồng cùng các ô đê bao khép kín để chủ động ngăn mặn, trữ ngọt.

Nhờ vậy, dù là địa phương cuối nguồn nước ngọt, nhưng sản xuất lúa trên đất tôm năm 2023-2024 của nông dân vẫn đảm bảo đủ nước, sản xuất, trúng mùa.

Tương tự, tại huyện Đông Hải, địa bàn tiếp giáp với biển, nên nguy cơ thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn là rất cao. Ông Trần Tuấn Kiệt, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đông Hải cho biết với quyết tâm bảo vệ tốt phát triển sản xuất, Ủy ban Nhân dân huyện đã chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện nghiêm lịch thời vụ sản xuất.

Đối với mô hình nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, khuyến cáo mô hình nuôi tôm sú chỉ nuôi 1 vụ/năm, tôm thẻ chân trắng 2 vụ/năm. Cùng với đó, tập trung gia cố bờ bao, cống bọng, nạo vét các tuyến kênh nội đồng để trữ nước trên ao nuôi, nhằm đảm bảo nguồn nước cấp khi cần thiết.

Bạc Liêu là một trong những tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng hạn hán, mặn xâm nhập nội đồng vào mùa Khô khiến nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiếu nước tưới.

Ngành nông nghiệp cùng các địa phương đã chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, qua đó nếu hạn mặn gay gắt có xảy ra, tỉnh cũng có những giải pháp bảo vệ sản xuất và đời sống của người dân./.

Tin cùng chuyên mục