Trong những lúc khủng hoảng như hiện nay, các chuyên gia cho rằng đây là thời điểm cần có những giải pháp kịp thời để giảm bớt những tác động tiêu cực. Các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp phải được thực hiện đồng bộ giữa việc mở rộng an sinh xã hội và hỗ trợ khả năng giữ việc làm cho người lao động
Đề xuất chính sách hỗ trợ
Trước những khó khăn của doanh nghiệp và người lao động, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã xây dựng đề án với 6 nhóm chính sách nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động gồm: Giải pháp về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động, hỗ trợ tín dụng, hoãn đóng công đoàn phí theo từng giai đoạn để trình Chính phủ.
Về chính sách bảo hiểm xã hội, hiện nay doanh nghiệp có từ 50% số lao động trong diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bị ngừng việc, thôi việc, không bố trí được việc làm; doanh nghiệp bị thiệt hại từ 50% tổng thu nhập do dịch COVID-19 đang được tạm dừng đóng bảo hiểm vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, trong tình hình hiện nay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục đề xuất Chính phủ và Uỷ ban thường vụ Quốc hội nghiên cứu việc mở rộng đối tượng bị ảnh hưởng của COVID-19 để nhận được hỗ trợ. Cụ thể, việc hỗ trợ sẽ áp dụng đối với tất cả người bị ảnh hưởng. Cu thể, những người bị ngừng việc đều được tạm dừng việc đóng một phần bảo hiểm xã hội đồng thời không khống chế tỷ lệ thiệt hại trên 50% đối với nghiệp mới được nhận hỗ trợ. Thời hạn áp dụng tạm dừng có thể kéo dài từ tháng 3 đến hết tháng 12. Uớc tính sẽ có khoảng 1,5-3 triệu người lao động và 150.000-200.000 doanh nghiệp được hưởng chính sách.
Không chỉ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội còn đề xuất chính sách tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, 100% doanh nghiệp và người lao động được tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian từ tháng 2 đến hết tháng 12/2020. Sau đó doanh nghiệp và người lao động phải đóng bù thời gian này mà không phải nộp tiền lãi chậm đóng.
[Bài 1: Người lao động thấp thỏm vì ngưng việc, thất nghiệp do COVID-19]
Mặt khác, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đưa ra những chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động trong thời điểm này.
Với nhóm chính sách tín dụng về lao động và doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, Bộ đề xuất hỗ trợ vay vốn ưu đãi đối với người lao động, ưu tiên lao động là người dân tộc thiểu số, lao động không có quan hệ lao động ở khu vực nông thôn, lao động phi chính thức ở khu vực thành thị… Dự kiến, thời hạn vay tối đa là 12 tháng với lãi suất vay là 3,96%/năm, bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo. Việc hỗ trợ này sẽ hướng tới khoảng 350.000 lao động với mức vay bình quân 30 triệu đồng/lao động và 20.000 cơ sở sản xuất kinh doanh mức vay bình quân 500 triệu đồng/cơ sở.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội còn đề xuất hướng tới việc hỗ trợ doanh nghiệp được vay tiền để trả lương trong trường hợp người lao động ngưng việc tạm thời. Qua đó giữ chân người lao động và tạo điều kiện để doanh nghiệp ổn định, phục hồi lại sản xuất và kinh doanh. Khi đó, người lao động tiếp tục trở lại lao động bình thường.
Giảm thiểu tác động tiêu cực
Hiện nay, các chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đang là “bệ đỡ” quan trọng giúp người lao động vượt qua thời gian khó khăn do ngưng việc, mất việc.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng trong tình hình hiện nay, bài toán đầu tiên là đối với các doanh nghiệp có tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp là phải xử lý ngay chính sách bảo hiểm thất nghiệp để người lao động có lương, những doanh nghiệp có điều kiện thì có thể đào tạo lại những lao động đó. Trường hợp người lao động không nhận tiền trợ cấp bảo hiểm thì dùng tiền đó để đào tạo nghề cho lao động tìm kiếm việc làm mới.
[Chi trả hơn 2.100 tỷ đồng tiền bảo hiểm thất nghiệp trong quý 1]
Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng sau dịch COVID-19, nhiều nhà hàng, khách sạn chưa thể phục hồi nên không thể thu hút được số lượng lao động hiện tại. Vì thế, cần phải dùng giải pháp trợ cấp thất nghiệp, đào tạo lại lực lượng lao động này họ để không rơi vào tình cảnh không có việc làm, gặp khó khăn.
“Chúng ta đã có bài học hết sức sâu sắc từ dịch SARS trước đây. Rõ ràng, khi có biến cố dịch bệnh, việc chuẩn bị nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu là hết sức quan trọng. Cho nên, chiến lược phát triển nguồn nhân lực không chỉ là ngắn hạn, hiện tại mà cần có dài hạn và tương lai khi hết dịch bệnh,” ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Ông Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam khẳng định Việt Nam đã làm rất tốt công tác kiềm chế dịch COVID-19. Sự quyết tâm được thể hiện rõ qua thông điệp của Thủ tướng rằng Chính phủ chấp nhận thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho người dân.
Ông Chang-Hee Lee chia sẻ: “Khi cuộc chiến chống COVID-19 có khả năng sẽ còn kéo dài, bây giờ chính là lúc bắt đầu hành động để giảm thiểu những tác động tiêu cực của virus tới doanh nghiệp, việc làm và thu nhập của phần lớn người lao động, bao gồm cả khu vực kinh tế phi chính thức.”
Ngay trong tháng 3 này, áp lực về người lao động mất việc làm đã tăng ít nhất 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái và những khó khăn vẫn còn đang ở phía trước. Chính phủ đang nghiên cứu ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19. Chắc chắn, dịch bệnh COVID-19 sẽ tạo nên những sự thay đổi lớn trong thị trường lao động, người lao động phải tận dụng những chính sách hỗ trợ, từ đó chủ động chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với những yêu cầu tuyển dụng thời gian tới./.