Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp vạch ra nhiệm vụ trọng tâm của 2015

Sáng 31/12, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã chủ trì phiên họp thứ 17.
Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp vạch ra nhiệm vụ trọng tâm của 2015 ảnh 1Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Sáng 31/12, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã tổ chức phiên họp thứ 17, thảo luận về: Dự thảo Báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc trung ương có liên quan đến công tác tư pháp năm 2014; nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp năm 2015; dự kiến Chương trình làm việc của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương năm 2015.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp.

Theo dự thảo Báo cáo của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, năm 2014 là năm có nhiều sự kiện quan trọng tác động trực tiếp đến việc triển khai thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã điều chỉnh, bổ sung kịp thời nội dung, chương trình công tác; tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp năm 2014 theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.

Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đã nghiêm túc tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 "về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW, ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020;" lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp gắn với việc triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013.

Cấp ủy, tổ chức đảng các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp chỉ đạo việc tổng kết thi hành pháp luật; xây dựng các dự thảo luật, nghị quyết có liên quan đến lĩnh vực tư pháp trình Quốc hội xem xét, thông qua trong năm 2014 theo đúng những chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp nêu trong văn kiện Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết số 49-NQ/TW, Kết luận số 92-KL/TW và quy định của Hiến pháp năm 2013.

Cấp ủy, tổ chức đảng các bộ, ngành có liên quan đã chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện và cấp có thẩm quyền xem xét, thông qua như: Luật tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi), Luật tổ chức Viện kiểm sát Nhân dân (sửa đổi)... Việc tổ chức bộ máy cơ quan điều tra, cơ quan giám định tư pháp, cơ quan thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp trong Công an Nhân dân đang được khẩn trương thực hiện; tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo đảm cho việc tổ chức và hoạt động của mô hình thí điểm chế định Thừa phát lại.

Vai trò tự quản của Liên đoàn luật sư, các Đoàn luật sư, Văn phòng luật sư được tiếp tục phát huy. Công tác giám định tư pháp có chuyển biến tích cực. Công tác giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp tiếp tục được quan tâm...

Dự thảo Báo cáo cũng xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2015 là các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc trung ương có liên quan: Khẩn trương hoàn thành các đề án phục vụ việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính và các văn bản pháp luật khác có liên quan; tích cực chỉ đạo triển khai thi hành Luật tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi), Luật tổ chức Viện kiểm sát Nhân dân (sửa đổi).

Các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc trung ương có liên quan cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thi hành Luật Luật sư và Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 30/3/2009 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư; đào tạo, phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa.

Các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc trung ương có liên quan t iếp tục chỉ đạo kiện toàn tổ chức, hoạt động giám định tư pháp; xây dựng, hoàn thiện Đề án “Xã hội hóa công tác giám định tư pháp đáp ứng yêu cầu cải cách.” Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ Tòa án Nhân dân, Viện kiểm sát Nhân dân, cơ quan điều tra, thi hành án, luật sư và bổ trợ tư pháp có nghiệp vụ chuyên sâu, trong sạch, vững mạnh, dũng cảm đấu tranh bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế...

Về Chương trình làm việc năm 2015, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương dự kiến sẽ tổ chức các phiên họp thứ 18, 19, 20, 21, 22 để thảo luận cho ý kiến về: Báo cáo một số nội dung cơ bản của việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự; Báo cáo một số nội dung cơ bản của việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự; Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án về thực trạng và giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp; Đề án “Xã hội hóa công tác giám định đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”...

Tại phiên họp, các ý kiến cơ bản nhất trí với dự thảo Báo cáo của Ban Chỉ đạo và đề nghị cần có thêm đánh giá về kết quả công tác cải cách tư pháp ở các địa phương để có cái nhìn khách quan, toàn diện, chuyển động hơn công tác cải cách tư pháp, chỉ ra nguyên nhân những tồn tại, hạn chế của công tác cải cách tư pháp trong năm qua để tìm ra giải pháp khắc phục kịp thời trong năm 2015.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao ý kiến đóng góp của các thành viên Ban Chỉ đạo vào dự thảo Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp năm 2014 và nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp năm 2015; đồng thời cho rằng công tác cải cách tư pháp trong năm qua được các Tỉnh ủy, Thành ủy, cấp ủy, tổ chức đảng các bộ, ngành có liên quan triển khai tích cực và đã mang lại kết quả thiết thực. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn một số vấn đề đặt ra cần tiếp tục giải quyết.

Chủ tịch nước đề nghị, ban soạn thảo các đề án cần sớm tổ chức lấy ý kiến và khẩn trương hoàn thiện trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục