Ban hành Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030

Mục tiêu cụ thể của Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia mà Thủ tướng mới ban hành là đến năm 2025, số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15%/năm.
Ban hành Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 118/QĐ-TTg ban hành Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030.

Chương trình nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, có giá trị gia tăng cao; thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp ở vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ.

Mục tiêu cụ thể của Chương trình là đến năm 2025, số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15%/năm; 100% các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm trực tiếp tham gia Chương trình hình thành các tổ chức nghiên cứu và phát triển; có từ 3-5 ngành sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm làm chủ hoặc tạo ra được công nghệ tiên tiến trong chuỗi giá trị để sản xuất ra các sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường.

[Phát huy vai trò quan trọng của Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia]

Đồng thời, Chương trình hướng đến việc thúc đẩy tăng năng suất lao động trên cơ sở đổi mới công nghệ, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, sử dụng công nghệ cao; các doanh nghiệp trực tiếp tham gia Chương trình có năng suất lao động cao hơn ít nhất 1,5 lần năng suất lao động khi chưa đổi mới công nghệ; hình thành tại mỗi vùng kinh tế ít nhất một mô hình nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ điển hình phù hợp với điều kiện đặc thù của địa bàn để triển khai nhân rộng.

Nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình được xác định gồm một số nội dung: hoàn thiện thể chế pháp lý, thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ; xây dựng, triển khai lộ trình nâng cao năng lực công nghệ quốc gia; nghiên cứu, ứng dụng làm chủ công nghệ tiên tiến trong việc sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị và có tính cạnh tranh cao trên thị trường.

Chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ; đẩy mạnh hỗ trợ hoạt động đổi mới công nghệ tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; tăng cường nguồn lực tài chính thực hiện Chương trình; đẩy mạnh hợp tác quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục