"Bánh vẽ" việc nhẹ, lương cao: Cảnh giác với cạm bẫy buôn bán người

Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu lao động có uy tín đều khẳng định không có chuyện việc nhẹ, lương cao khi đi làm ở nước ngoài. Phía sau lời chào mời hấp dẫn rất có thể là lừa đảo, buôn bán người.
"Bánh vẽ" việc nhẹ, lương cao: Cảnh giác với cạm bẫy buôn bán người ảnh 1Lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về. (Ảnh minh họa: Vietnam+)

Những lời mời gọi việc nhẹ, lương cao, dễ dàng đi làm việc ở nước ngoài đã trở thành cái bẫy buôn bán người được giăng sẵn khiến nạn nhân bị bóc lột, cưỡng ép lao động, bị đối xử tàn tệ… Những trường hợp lừa đảo này không chỉ ảnh hưởng đến tài sản, tiền bạc mà còn ảnh hưởng đến tính mạng người lao động. 

Trở thành nạn nhân bị buôn bán người

Chỉ cần lên mạng xã hội, vào các hội nhóm tuyển dụng việc làm, xuất khẩu lao động, không khó để tìm thấy lời mời chào có cánh về những cơ hội đi làm việc ở nước ngoài, với mức lương khủng hàng chục triệu đồng một tháng. Những bài tuyển dụng thường có đặc điểm chung là: Việc nhẹ, lương cao, yêu cầu trình độ thấp, không yêu cầu kinh nghiệm…

Với mức lương hấp dẫn và điều kiện tuyển dụng dễ dàng, người lao động rất dễ rơi vào “bẫy" của các đối tượng lừa đảo, buôn người. Những đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thường sẽ yêu cầu đóng một khoản chi phí để được đi làm việc ở nước ngoài nhưng sau đó không thực hiện, đối tượng buôn người thì có thể không thu phí nhưng lừa đưa đi xuất cảnh trái phép, làm việc bất hợp pháp và bị bóc lột sức lao động.

Trong một năm trở lại đây, không ít lao động bị lừa đi Campuchia với những lời chào mời hấp dẫn việc nhẹ, lương cao, chỉ cần biết đánh máy vi tính, chăm chỉ, làm việc trên app, việc làm chỉ là hướng dẫn chơi bài, làm tại sòng bài, casino hoặc liên quan xuất khẩu, không yêu cầu kinh nghiệm, trong khi đãi ngộ rất tốt, tiền lương khoảng 25-40 triệu/tháng...

Thế nhưng sau khi bị lừa sang Campuchia, nhiều lao động bị cưỡng ép lao động từ 12-16 tiếng/ngày, không cho ra khỏi cơ sở, bị bán sang các chủ sử dụng lao động khác hoặc bắt gọi điện về cho gia đình, người thân tại Việt Nam để nộp tiền chuộc mới cho về nước với số tiền từ 3.000-30.000 USD. Một số trường hợp bỏ trốn khi chưa có tiền chuộc, đã bị các đối tượng sử dụng lao động đánh đập, ngược đãi, bán sang cơ sở khác nhau.

Tình trang lao động bị lừa xuất cảnh trái phép, làm việc bất hợp pháp ở Campuchia vẫn còn đang nhức nhối thì mới đây, vào đầu tháng 5/2023, các lực lượng chức năng Philippines đã giải cứu hơn 1.000 người nghi là nạn nhân buôn người đến từ nhiều quốc gia châu Á, trong đó có công dân Việt Nam. 

[Tình trạng mua bán nam giới tăng lên, thủ đoạn ngày càng tinh vi]

Theo các quan chức Philippines, những người này bị lừa bán sang Philippines, bị giam giữ và ép phải tham gia các vụ lừa đảo trực tuyến. Các nạn nhân bị tịch thu hộ chiếu và bị ép làm việc 18 tiếng một ngày. Nếu bị phát hiện trò chuyện với những người xung quanh hoặc nghỉ lâu hơn thời gian cho phép, họ sẽ bị trừ lương.

Hiện nay, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Philippines xác định tình trạng cư trú của lao động; phối hợp cung cấp thông tin để thúc đẩy chính quyền sở tại sớm đưa ra phương hướng giải quyết và điều tra vụ việc, kịp thời tiến hành công tác bảo hộ công dân, bảo đảm quyền và lợi ích của công dân Việt Nam.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng lao động dễ dàng bị lừa đảo, thậm chị bị lừa bán sang nước ngoài, bóc lột lao động là do quá mong muốn tìm được việc làm lương cao. Trong bối ảnh kinh tế trong nước đang còn nhiều khó khăn, lao động tại các khu công nghiệp đang bị cắt giảm, áp lực tìm việc làm lớn khiến người lao động sẵn sàng bất chấp rủi ro để tìm kiếm các cơ hội đi làm việc ở nước ngoài với mức lương cao.

Kiểm tra thông tin với cơ quan chức năng

Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu lao động có uy tín đều khẳng định không có chuyện việc nhẹ, lương cao khi đi làm ở nước ngoài. Thị trường đưa người đi lao động ở nước ngoài đang cần và trả lương cao cho những nhân lực chất lượng cao. Việc nhẹ, lương cao chỉ là chiếc “bánh vẽ" của cạm bẫy lừa đảo, buôn bán người.

"Bánh vẽ" việc nhẹ, lương cao: Cảnh giác với cạm bẫy buôn bán người ảnh 2Người lao động cần kiểm tra kỹ các thông tin về công việc, danh tính công ty đưa đi làm việc ở nước ngoài. (Ảnh minh họa: Vietnam+)

Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết trong những năm qua, tình hình tội phạm mua bán người tại Việt Nam vẫn phức tạp với các thủ đoạn mới, tính chất ngày càng tinh vi, quy mô ngày càng mở rộng, nhất là các vụ việc mua bán người xuyên biên giới.

Để ứng phó với những thách thức trên, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đã có những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm điều chỉnh, ứng phó linh hoạt; trong đó Luật Phòng chống mua bán người và các văn bản hướng dẫn ở cấp Chính phủ và bộ, ngành thường xuyên được bổ sung, sửa đổi nhằm phù hợp với tình hình mới. 

Theo bà Nguyễn Thùy Dương, các chương trình phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân giai đoạn 2021-2025 tiếp tục thực hiện đồng bộ với nhiều giải pháp cụ thể, trong đó công tác phòng ngừa mua bán người tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng. Công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tập trung xác minh, xác định, tiếp nhận và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân ở cả 3 giai đoạn: Hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, hỗ trợ phục hồi và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng.

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cảnh báo người lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài phải chủ động, tìm hiểu nắm bắt thông tin về thị trường lao động, về công việc, ngành nghề phù hợp với trình độ, năng lực bản thân để lựa chọn thị trường cho phù hợp.

“Người lao động phải liên hệ với các doanh nghiệp có giấy phép xuất khẩu lao động, liên hệ với chính quyền địa phương nơi cư trú, nơi doanh nghiệp đóng trụ sở để kiểm tra tính xác thực. Hiện nay, việc truy cập thông tin rất thuận lợi, người lao động có thể vào các trang chính thức của Cục Quản lý lao động ngoài nước Dolab.gov.vn hoặc cơ quan quản lý lao động địa phương để nắm bắt cách thức đi, các doanh nghiệp tổ chức tiếp nhận đi đã được cấp phép,” ông Nguyễn Gia Liêm cho biết.

Theo ông Nguyễn Gia Liêm, nếu người lao động thấy có những cá nhân, tổ chức nào đến mời chào, kêu gọi đưa người đi xuất khẩu lao động thì phải kiểm tra lại thông tin về tổ chức cá nhân đó, xem có địa chỉ rõ ràng hay không, liên hệ sau đó kiểm tra trên hệ thống Cục Quản lý lao động ngoài nước. Nếu cá nhân và tổ chức đó không có chức năng xuất khẩu lao động thì chắc chắn là lừa đảo hoặc làm trái với quy định của Nhà nước, cần báo cho cơ quan chức năng địa phương, cần thiết thì báo cho cơ quan Công an để xử lý. 

“Những trường hợp lừa đảo này không chỉ ảnh hưởng đến tài sản, tiền bạc mà còn ảnh hưởng đến tính mạng người lao động. Khi người lao động nhập cảnh vào các nước sẽ thành cư trú bất hợp pháp, bị xử lý theo quy định pháp luật của nước sở tại. Việc xuất cảnh trái phép sẽ phải qua những con đường nguy hiểm còn nguy hại đến sức khỏe, tính mạng của người lao động,” ông Nguyễn Gia Liêm nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục