Báo chí ASEAN: Hợp tác là "chìa khóa" để thúc đẩy Chuyển đổi Số, thu hút độc giả

Theo ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo VN, Chuyển đổi Số không chỉ là vấn đề sống còn, mà còn vô cùng cần thiết cho sự phát triển của các cơ quan báo chí và người làm báo.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Hội thảo quốc tế “Quản trị toà soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN” ngày 7/12 đã gợi mở nhiều giải pháp cho các vấn đề mà báo chí Đông Nam Á đang đối mặt đồng thời mang đến nhiều cơ hội hợp tác giữa các nhà báo, chuyên gia truyền thông trong khu vực.

Nhân dịp này, ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã chia sẻ những kỳ vọng về một nền báo chí ASEAN phát triển mạnh mẽ, góp phần gia tăng sự thấu hiểu lẫn nhau giữa các quốc gia thành viên.

Xây dựng Báo chí ASEAN thành khối thống nhất

- Thưa ông, hội thảo quốc tế vừa qua được đánh giá là rất thành công với nhiều ý kiến tham luận đóng góp sôi nổi. Lý do vì sao Hội Nhà báo Việt Nam chọn chủ đề “quản trị tòa soạn báo chí số”?

Ông Nguyễn Đức Lợi: Một trong những mục tiêu trong kế hoạch hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam năm 2023 chính là hướng đến một diễn đàn rộng rãi, có tầm vóc về vấn đề Chuyển đổi Số báo chí để trao đổi, học hỏi và nâng tầm vị thế của tổ chức Hội trong bối cảnh hiện nay.

vna-potal-hoi-thao-bao-chi-quoc-te-quan-tri-toa-soan-bao-chi-so-ly-luan-thuc-tien-kinh-nghiem-tai-khu-vuc-asean-7117821-1-8608.jpeg
Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang và Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi điều hành hội thảo phiên buổi sáng. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Việc tổ chức diễn đàn sẽ giúp cho các cơ quan báo chí, các nhà báo trong ASEAN hiểu hơn và tham gia sâu hơn vào việc Chuyển đổi Số, góp phần tạo nên một nền báo chí ASEAN phát triển mạnh mẽ hơn, cập nhật hơn những cách thức làm báo mới, thúc đẩy thông tin báo chí trong khu vực được lan toả mạnh hơn, tốt hơn. Qua đó, báo chí cũng góp phần cho sự thấu hiểu lẫn nhau giữa người dân ASEAN về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi đất nước; tăng cường tình hữu nghị, hợp tác giữa các nước trong khu vực.

Khi chia sẻ ý tưởng này với các đoàn báo chí trong khu vực ASEAN, chúng tôi đã nhận được sự đồng lòng, hưởng ứng rất tích cực.

Mặc dù chúng tôi đã gửi lời mới đến 10 tổ chức báo chí trong khu vực ASEAN nhưng vì một số lý do khách quan 3 đất nước không thể cử đại biểu tham dự. Tuy nhiên, sự hiện diện của 7 đoàn nhà báo từ Singapore, Malaysia, Indonesia, Phillipines, Thái Lan, Lào, Campuchia đã thể hiện đây là một sự kiện lớn và quan trọng. Chúng tôi nhận thấy sự hứng khởi rất lớn từ các đoàn đại biểu.

- Trước hội thảo, Hội Nhà báo Việt Nam đều đã có những cuộc tiếp xúc, trò chuyện với đoàn đại biểu các nước, ông nhận thấy họ có sự quan tâm chung về vấn đề gì?

Ông Nguyễn Đức Lợi: Có thể nói, các quốc gia trên toàn thế giới đang đối mặt với vô số cơ hội và thách thức khi Chuyển đổi Số đã định hình lại mọi hoạt động của đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và thói quen làm việc hàng ngày.

Các đoàn báo chí trong khu vực đều khẳng định rằng Chuyển đổi Số ngành báo chí truyền thông không chỉ là vấn đề sống còn, mà còn vô cùng cần thiết cho sự phát triển của các cơ quan báo chí, tổ chức truyền thông và người làm báo.

Việc xây dựng báo chí ASEAN trở thành khối thống nhất là rất quan trọng bởi trong ASEAN có sự liên kết giữa 3 trụ cột: An ninh-chính trị, kinh tế và văn hóa, trong đó việc tổ chức hội thảo báo chí của các nước ASEAN sẽ góp phần xây dựng 3 trụ cột này, đặc biệt trong trụ cột văn hóa có bao gồm lĩnh vực thông tin báo chí.

Thách thức lớn nhất là nguồn lực

- Ông có đánh giá như thế nào về kết quả của hội thảo?

Ông Nguyễn Đức Lợi: Hội thảo nhận được hơn 40 tham luận của các đại biểu 8 quốc gia khu vực ASEAN. Với hai phiên họp, các vấn đề về lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm trong xây dựng và quản trị Toà soạn Số đã được nêu ra, thảo luận và phân tích. Nhiều thử nghiệm mới cũng đã được đưa ra để tham khảo.

vna-potal-hoi-thao-bao-chi-quoc-te-quan-tri-toa-soan-bao-chi-so-ly-luan-thuc-tien-kinh-nghiem-tai-khu-vuc-asean-chieu-612-7118522-9083.jpeg
Đoàn Chủ tịch điều hành hội thảo. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Đó là những kinh nghiệm quý, gợi ý hay cho các cơ quan báo chí các quốc gia thuộc khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng để nghiên cứu, học hỏi, lựa chọn mô hình Toà soạn Số, phương thức quản trị Toà soạn Số cho phù hợp với thực trạng, điều kiện và nguồn lực đối với từng loại toà soạn, từng cơ quan báo chí ở từng quốc gia.

Hầu hết các ý kiến đều thống nhất quan điểm Chuyển đổi Số báo chí là việc ứng dụng công nghệ ngày càng hiện đại vào hoạt động báo chí và các Tòa soạn Số là sự hội tụ công nghệ với nội dung, vận hành, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả báo chí truyền thông.

Các đại biểu còn đưa ra góc nhìn quản trị kinh doanh và tài chính, đề xuất cần đẩy mạnh phối hợp nghiên cứu về Chuyển đổi Số và quản trị Tòa soạn Số giữa các nước ASEAN, để tìm ra những giải pháp thiết thực, khả thi giúp xây dựng mô hình Tòa soạn Số tại các cơ quan báo chí ở Việt Nam cũng như các nước ASEAN trong thời gian tới.

- Qua những gì được chia sẻ tại hội thảo, ông nhìn nhận thế nào về những khó khăn mà các cơ quan báo chí trong khu vực ASEAN đang đối mặt và khả năng hợp tác để giải quyết các vấn đề?

Ông Nguyễn Đức Lợi: Đầu tiên, chúng ta phải nhìn nhận rằng thách thức lớn nhất của Chuyển đổi Số báo chí trong khu vực vẫn là vấn đề nguồn lực. Các cơ quan báo chí trên thế giới đã bắt nhịp tương đối sớm, nhưng đối với các nước ASEAN trong một số cơ quan, đơn vị còn gặp nhiều khó khăn. Nguồn nhân lực ở một số nước còn nhiều hạn chế, một số cơ quan báo chí còn chậm chạp, chưa nhận thức rõ được tầm quan trọng của vấn đề này.

vna-potal-hoi-thao-bao-chi-quoc-te-quan-tri-toa-soan-bao-chi-so-ly-luan-thuc-tien-kinh-nghiem-tai-khu-vuc-asean-chieu-612-7118516-8041.jpg
Các đại biểu tham dự tọa đàm trong khuôn khổ hội thảo. (Ảnh: Thảo Quyên/TTXVN phát)

Hai là, một Toà soạn Số được xây dựng và quản trị tốt sẽ là điều kiện để tận dụng cơ hội, vượt qua các thách thức và những vấn đề mà báo chí ASEAN phải đối mặt như: Sự thống nhất về nhận thức; việc xác định rõ mục tiêu, phương thức, điều kiện, lộ trình chuyển đổi số, mô hình Toà soạn Số thích hợp; nguyên tắc, quy trình quản trị nội dung, quản lý dữ liệu, quản lý và phát triển công chúng số, phân phối trên các nền tảng, vấn đề bản quyền báo chí số; sự thiếu hụt và thiếu đồng bộ về nhân lực, nền tảng kỹ thuật, công nghệ.

Ba là vấn đề tài chính bởi Chuyển đổi Số đòi hỏi phải có kinh phí nhưng không phải cơ quan báo chí nào trong ASEAN cũng đáp ứng được điều kiện đó. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, báo chí gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các loại hình thông tin khác, nhất là mạng xã hội thì các cơ quan báo chí càng gặp khó khăn hơn trong vấn đề tìm nguồn thu để tái đầu tư vào các nền tảng công nghệ đa thiết bị và đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ người làm báo. Sự ủng hộ từ phía Chính phủ và Nhà nước cho các cơ quan báo chí vẫn còn chưa đồng đều ở các nước trong khu vực.

Khi đã nhìn nhận được những thách thức, các cơ quan báo chí sẽ kết nối, trao đổi, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm, giải pháp xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.

Tinh thần tương tác, sự thống nhất về nhận thức tại hội thảo cho thấy triển vọng của khối báo chí ASEAN đoàn kết, hướng tới sự phát triển nền báo chí quốc gia và khu vực chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại, đẩy nhanh, mạnh hơn tiến trình số hóa ngành báo chí.

- Xin trân trọng cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục