Báo chí và doanh nghiệp: Không để ‘thuyền thúng vươn khơi’

Báo chí cần đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc phản ánh những rào cản của môi trường kinh doanh, đồng thời chỉ ra những điểm hạn chế, hời hợt khi hội nhập, không để “thuyền thúng vươn khơi.”
Báo chí và doanh nghiệp: Không để ‘thuyền thúng vươn khơi’ ảnh 1Các đại biểu tham dự Diễn đàn báo chí-cầu nối doanh nghiệp và chính phủ với chủ đề “báo chí, doanh nghiệp trong kỷ nguyên CPTPP.” (Ảnh: H.V/Vietnam+)

Báo chí cần đồng hành cùng các doanh nghiệp hơn nữa trong việc phản ánh, chia sẻ trước những rào cản của môi trường kinh doanh cần tháo gỡ, phản ánh những nhu cầu nội tại của doanh nghiệp. Ngoài ra, báo chí cũng chỉ ra những điểm hạn chế của doanh nghiệp cần khắc phục khi hội nhập, không để “thuyền thúng vươn khơi.”

Đó là ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp và đại diện một số cơ quan báo chí tại Diễn đàn báo chí-cầu nối doanh nghiệp và Chính phủ với chủ đề “Báo chí, doanh nghiệp trong kỷ nguyên CPTPP,” diễn ra chiều 16/3, trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2019.

Phát biểu tại Diễn đàn, tiến sỹ Mai Đức Lộc-Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, vấn đề phát triển doanh nghiệp luôn được Đảng và Nhà nước ta dành sự quan tâm đặc biệt và là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước.

Đặc biệt, trong quá trình hội nhập quốc tế, nhất là từ khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP, báo chí càng có vai trò to lớn trong việc sát cánh cùng doanh nghiệp vượt qua các rào cản để hội nhập thành công.

Thời gian qua, báo chí đã có nhiều hoạt động thiết thực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khẳng định mối quan hệ hai chiều, gắn bó và hỗ trợ lẫn nhau và cũng khẳng định vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với Chính phủ.

Theo ông Lộc, doanh nghiệp cần có báo chí, truyền thông để có thông tin phục vụ sản xuất kinh doanh và để thông tin, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của mình, để động viên, khích lệ những thành quả lao động sáng tạo của doanh nghiệp và người lao động. Báo chí coi doanh nghiệp, doanh nhân là nguồn đề tài phong phú, đa dạng, là nguồn cảm hứng để sáng tạo tác phẩm báo chí.

Với vai trò cầu nối, báo chí tuyên truyền phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước tới người dân. Trong tuyên truyền phát triển kinh tế, báo chí phát hiện, biểu dương những doanh nghiệp có những cách làm hay, kinh nghiệm tốt, những doanh nhân nỗ lực vượt qua khó khăn để cống hiến cho cộng đồng, cho đất nước... Đồng thời, báo chí cũng đấu tranh phê phán những hoạt động sản xuất kinh doanh không lành mạnh, vi phạm pháp luật, huỷ hoại môi trường.

Bên cạnh đó, báo chí cũng đã chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp, phản biện những chính sách của Nhà nước đối với doanh nghiệp; phản biện những cách làm của chính các doanh nghiệp vì sự phát triển và lợi ích chung của đất nước.

[Hội báo toàn quốc 2019: Đề cao tinh thần đổi mới, sáng tạo]

Từ góc độ chuyên gia, tiến sỹ Võ Trí Thành-nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng CPTPP là “chất xúc tác” để Chính phủ cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp. Vì thế, báo chí cần tìm hiểu kỹ hơn, sâu hơn các cam kết, hiệp định liên quan đến CPTPP; các xu hướng mới về thương mại đầu tư, những dịch chuyển nhờ công nghệ.

Báo chí và doanh nghiệp: Không để ‘thuyền thúng vươn khơi’ ảnh 2Gian trưng bày của Liên Chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam với chủ đề "Nguồn thông tin tin cậy nhất" tại Hội báo toàn quốc 2019. (Ảnh: TTXVN)

Có chung quan điểm, phó giáo sư tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, trong kỷ nguyên CPTPP cần có một cách nghĩ rõ ràng về sự hỗ trợ của Chính phủ với doanh nghiệp để tránh những méo mó trong cách hiểu về hỗ trợ. Hỗ trợ ở đây là tạo điều kiện để doanh nghiệp có cơ hội phát triển tốt hơn, có môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh tự do, không bị trói buộc, chèn ép...

Nói về vai trò của báo chí, ông Thiên cho rằng quan trọng nhất là tạo ra môi trường thông tin minh bạch, tránh thông tin bị méo mó. Báo chí cần tiếp cận nêu yêu cầu để Chính phủ giải quyết. Doanh nghiệp phải gây áp lực, yêu cầu Chính phủ, chứ không phải “đi xin ôxi để thở.”

Trong khi đó, nhà báo Lê Xuân Sơn-Tổng Biên tập Báo Tiền Phong cho rằng, để các doanh nghiệp, nền kinh tế “thẩm thấu” tốt hơn từ các chính sách, cơ hội thách thức mới từ các FTA, ngay hệ thống báo chí cũng cần tự thân phải đổi mới, cập nhật công nghệ, đa dạng hóa cách thức truyền thông, tuyên truyền.

Cùng với đó, báo chí cần đồng hành cùng các doanh nghiệp hơn nữa trong việc phản ánh, chia sẻ trước những khó khăn, bất cập, rào cản của môi trường kinh doanh cần tháo gỡ, phản ánh những nhu cầu nội tại của doanh nghiệp.

Đặc biệt, báo chí cần đóng góp phanh phui những vụ việc tham nhũng, nhũng nhiễu, tiêu cực của các cơ quan quản lý nhà nước, các công chức “biến chất,” gây khó dễ khi tiếp nhận giải quyết các thủ tục, hồ sơ của doanh nghiệp; lên án những doanh nghiệp làm ăn chộp giật, lừa đảo… tác động xấu đến xã hội.

“Báo chí không những thường xuyên cung cấp những bản tin, bình luận, phân tích về vấn đề thị trường, môi trường kinh doanh, mà còn chỉ ra những điểm hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam cần khắc phục, hời hợt khi hội nhập, không để ‘thuyền thúng vươn khơi’,” ông Sơn nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục