Truyền thông về văn hóa ứng xử: Cần những phân tích, cảnh báo cụ thể

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các cơ quan báo chí cần xây dựng thêm nhiều chuyên mục, tăng cường thời lượng các chương trình, số lượng các bài viết về văn hóa ứng xử.
Hôi thảo được tổ chức trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc (diễn ra từ ngày 15-17/3 tại Hà Nội). (Ảnh: Vietnam+)
Hôi thảo được tổ chức trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc (diễn ra từ ngày 15-17/3 tại Hà Nội). (Ảnh: Vietnam+)

Trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc, sáng 16/3, Hội Nhà báo Việt Nam phối Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo “Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử.”

Xây dựng giải báo chí chuyên đề về văn hóa ứng xử

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ, trong những năm đầu (sau thời gian cả dân tộc phải trải qua những cuộc chiến đấu kéo dài để bảo vệ nền độc lập, tự do), do dồn sức cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế nên Việt Nam chưa chú trọng nhiều đến một khía cạnh của việc bảo vệ môi trường, văn hóa truyền thống.

Truyền thông về văn hóa ứng xử: Cần những phân tích, cảnh báo cụ thể ảnh 1Gian trưng bày của Liên Chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam với chủ đề "Nguồn thông tin tin cậy nhất" tại Hội báo toàn quốc 2019. (Ảnh: TTXVN)

“Bởi vậy, hiện nay, khi nhận ra những bất cập, chúng ta phải dành những khoản đầu tư không hề nhỏ để khắc phục những tổn hại như đối với vấn đề ô nhiễm môi trường. Còn riêng với văn hóa, để khắc phục những tác hại của sự mai một, đứt gãy truyền thống, biến tướng, lệch chuẩn, thiếu hụt văn hóa (do tác động của kinh tế thị trường), chúng ta sẽ mất nhiều thế hệ con người,” Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.

[Hội báo toàn quốc 2019: Đề cao tinh thần đổi mới, sáng tạo]

Phân tích sâu hơn về vấn đề này, Phó Thủ tướng cho rằng, trong thời gian qua, nhiều hành vi tiêu cực, lối ứng xử không phù hợp với thuần phong mỹ tục có xu hướng lan rộng trong cộng đồng. Tuy nhiên, đó chỉ là hiện tượng, không phải là bản chất trong tính cách, truyền thống của dân tộc Việt Nam.

“Dân tộc Việt Nam có nền văn hiến lâu đời, bản sắc văn hóa độc đáo. Đó là cội nguồn sức mạnh để trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm, dân tộc ta không bị đồng hóa, trụ vững trước những ‘đợt sóng’ thiên tai, địch họa. Bởi vậy, trước thách thức của quá trình hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay, việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc (trong đó có văn hóa ứng xử) cần được đẩy mạnh. Các cơ quan báo chí, truyền thông cần tập trung tuyên truyền về vấn đề này,” Phó Thủ tướng nêu rõ.

Truyền thông về văn hóa ứng xử: Cần những phân tích, cảnh báo cụ thể ảnh 2Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: TTXVN)

Cụ thể, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, các báo, đài cần xây dựng thêm nhiều chuyên mục, tăng cường thời lượng các chương trình, số lượng các bài viết về văn hóa ứng xử. Nội dung các tác phẩm báo chí cần tập trung những tấm gương người tốt, việc tốt, những câu chuyện nhân văn để tạo sức lan tỏa trong cộng đồng; phản ánh những bất cập trong đời sống.

“Một yêu cầu quan trọng đối với người làm báo khi thực hiện những bài viết, chương trình khai thác đề tài văn hóa ứng xử là: không chỉ dừng lại ở việc phản ánh mà còn phải phân tích, đưa ra những cảnh báo, dự báo thiết thực,” Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ.

Ngoài ra, để góp phần nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí và động viên, cổ vũ tinh thần đội ngũ người làm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam xây dựng một giải thưởng báo chí chuyên đề để vinh danh những tập thể, cá nhân và các tác phẩm xuất sắc khai thác đề tài văn hóa ứng xử.

“Muốn hướng đến sự phát triển bền vững, không thể bỏ qua những chuẩn mực văn hóa ứng xử trong xã hội, cộng đồng,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thế nào là “chuẩn mực văn hóa ứng xử?”

Tại hội thảo, ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, thực tiễn hơn 30 năm đổi mới cho thấy, báo chí luôn phát huy vai trò xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, là bộ phận quan trọng của văn hóa dân tộc. Đó là kênh thông tin đại chúng phản ánh thực tiễn văn hóa, truyền tải, phổ biến văn hóa, là động lực thúc đẩy văn hóa phát triển.

Cụ thể, báo chí đã góp phần đắc lực vào việc phát hiện, phản ánh những bất cập, thói hư, tật xấu trong văn hóa, góp phần xây dựng những chuẩn mực văn hóa ứng xử tốt đẹp hơn. Báo chí tuyên truyền, cổ động cho các cuộc vận động xây dựng văn hóa ứng xử; phát hiện, cổ vũ những gương người tốt, những tấm gương điển hình, những cách làm hay; đồng thời phê phán những biểu hiện lệch chuẩn về văn hóa ứng xử.

Trong những năm gần đây, tình trạng văn hóa (trong đó có văn hóa ứng xử) xuống cấp, nhiều khi đến mức báo động đã được báo chí thông tin kịp thời, phân tích, cảnh báo thiết thực.

“Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn tình trạng một số cơ quan báo chí, nhà báo thiếu quan tâm đến chuẩn mực văn hóa ứng xử; thiếu gương mẫu trong cách cư xử, thậm chí vi phạm các quy tắc, quy định về văn hóa ứng xử, vi phạm pháp luật. Mặt khác, trong xây dựng văn hóa ứng xử, báo chí nhiều khi chưa có cách tiếp cận, tác động hợp lý, hiệu quả trong việc điều chỉnh nhận thức, hành vi của cộng đồng,” lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam nhìn nhận.

Có cùng quan điểm trên, Đại tá-nhà báo Nguyễn Văn Hải (Báo Quân đội Nhân dân) cho rằng, thời gian qua, một số cơ quan báo chí, phóng viên thể hiện sự lệch chuẩn khi truyền thông, đưa tin về lĩnh vực văn hóa giải trí, gây ảnh hưởng đến chuẩn mực văn hóa ứng xử của công chúng, đặc biệt là giới trẻ.

Truyền thông về văn hóa ứng xử: Cần những phân tích, cảnh báo cụ thể ảnh 3Đại tá-nhà báo Nguyễn Văn Hải (Báo Quân đội Nhân dân) trình bày tham luận tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đại tá-nhà báo Nguyễn Văn Hải đưa ra ví dụ cụ thể. Đầu tháng Một vừa qua, ban tổ chức giải thưởng WeChoice Awards 2018 đã trao giải “Sản phẩm âm nhạc underground được yêu thích” cho MV “Anh đếch cần gì nhiều ngoài em” của rapper Đen Vâu. Giải thưởng cũng như MV nói trên nhận được sự quan tâm, hưởng ứng và đưa tin đậm nét (với những lời khen ngợi) của nhiều phóng viên, tờ báo.

“MV này đánh trúng tâm lý của một bộ phận giới trẻ hiện nay: khi yêu, họ bất chấp tất cả. Bài hát có nhiều ngôn từ chân thực đến suồng sã. Điệp khúc ‘anh đếch cần gì nhiều ngoài em’ được nhắc lại rất nhiều lần. Trong khi đó, từ ‘đếch’ biểu hiện ý nghĩa phủ định với sắc thái thiếu nhã nhặn, lịch thiệp. Thế nhưng, nhiều bài viết trên các ấn phẩm báo chí thời gian qua lại tung hô MV và tác giả này bằng nhiều mỹ từ thái quá, coi đây là hiện tượng âm nhạc mới cho giới trẻ. Cách truyền thông như vậy không chỉ khiến người trong cuộc dễ ảo tưởng về mình mà còn tác động xấu đến thị hiếu âm nhạc lành mạnh của giới trẻ,” Đại tá-nhà báo Nguyễn Văn Hải bày tỏ quan điểm cá nhân.

Nhà báo Nguyễn Văn Hải cũng dẫn ra một ví dụ khác về việc một số phóng viên sử dụng từ ngữ thiếu chuẩn mực trong các bài viết, thể hiện việc chưa chú trọng đúng mức đến văn hóa ứng xử.

“Một số báo điện tử thời gian qua dùng từ ngữ thiếu chuẩn mực liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo (thánh soi, thánh phán, thánh chửi…) với các tiêu đề kiểu như ‘phục sát đất thánh soi…,’ ‘thánh phán bán hàng...’. Trong khi đó, trong một số tôn giáo, tín ngưỡng, ‘thánh’ vốn là từ để chỉ các bậc hiền triết anh minh, nhân vật có phép màu nhiệm, sức mạnh siêu nhiên được tôn thờ, ngưỡng vọng, chiêm bái,” nhà báo Nguyễn Văn Hải cho hay.

Ở một góc độ khác, tiến sỹ Nguyễn Viết Chức (nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội) bày tỏ: “Chúng ta vẫn nói nhiều về các hiện tượng không đúng chuẩn mực văn hóa ứng xử. Vậy chuẩn mực ở đây là gì? Ứng xử như thế nào mới là đúng chuẩn mực? Ngoài ra, chúng ta vẫn nói, tư tưởng Nho giáo với những quy chuẩn về ‘công, dung, ngôn, hạnh,’ ‘nhân, lễ, nghĩa, trí, tín’ đã lạc hậu, không phù hợp với xã hội hiện nay. Tuy nhiên, rõ ràng, đó là những quy định rất cụ thể về cách ứng xử trong xã hội để mọi việc có trật tự, nề nếp trong khuôn khổ lễ giáo cũ.”

Từ đó, tiến sỹ Nguyễn Viết Chức cho rằng, cần có những quy định, quy tắc cụ thể, được hệ thống hóa. “Nếu chúng ta không cụ thể hóa được thế nào là chuẩn mực thì làm sao có thể nói rằng sự việc, hiện tượng, cách cư xử nào đó là lệch chuẩn văn hóa"./.

Với chủ đề “Báo chí Việt Nam đổi mới, sáng tạo, trách nhiệm vì lợi ích của đất nước và nhân dân,” Hội báo toàn quốc 2019 kéo dài từ ngày 15-17/3 tại Bảo tàng Hà Nội (đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Gian trưng bày của Liên Chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam tại Hội báo năm nay có chủ đề “Nguồn thông tin tin cậy nhất,” giới thiệu các sản phẩm thông tin thuộc đủ các loại hình: tin văn bản, tin ảnh, tin truyền hình, tin đồ họa, tin âm thanh..., phát hành trên các bản tin, báo in, báo điện tử, truyền hình và truyền thông đa phương tiện của Thông tấn xã Việt Nam.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục