‘Bão giá’ vật liệu có ảnh hưởng tới giải ngân vốn dự án giao thông?

‘Bão giá’ nguyên vật liệu 'níu chân' các dự án hạ tầng giao thông

Cùng với biến động của giá xăng dầu, thời gian qua, giá nhiều loại nguyên vật liệu chính cũng "nhảy múa" làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình thi công các dự án giao thông.
Nhà thầu thi công một dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)
Nhà thầu thi công một dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)

Dù tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công luôn vượt mức bình quân chung của cả nước, song Bộ Giao thông Vận tải và các Ban quản lý dự án không “ngủ quên trên chiến thắng” mà luôn đốc thúc các nhà thầu thi công xác định có sản lượng thi công mới có khối lượng giải ngân và hoàn thiện ngay thủ tục nghiệm thu, thanh toán hoàn thành.

Không có “đường lùi” giải ngân

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, bốn tháng đầu năm 2022, khối lượng giải ngân các dự án trực thuộc khoảng 11.200 tỷ đồng, đạt gần 26% kế hoạch đã giao chi tiết và hơn 22% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; trong đó các dự án cao tốc Bắc-Nam luôn chiếm tỷ lệ giải ngân cao qua hàng tháng.

Cụ thể, lũy kế trong bốn tháng đầu năm, dự án thành phần Mai Sơn-Quốc lộ 45 giải ngân khoảng 939 tỷ đồng (31,3%); Phan Thiết-Dầu Giây đạt khoảng 673 tỷ đồng (29,4%); Nha Trang-Cam Lâm khoảng 185 tỷ đồng (19,6%); Nghi Sơn-Diễn Châu đạt khoảng 693 tỷ đồng (34,7%)…

Ông Lê Thắng, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 cho biết năm 2022, Bộ Giao thông Vận tải giao kế hoạch vốn cho đơn vị là 3.370 tỷ đồng, so với năm ngoái, nguồn vốn đầu tư công tăng 35%. Trong bốn tháng qua, Ban đã đạt 21,7% kế hoạch giải ngân.

“Ban luôn kiểm soát nhà thầu thi công về khối lượng hàng ngày, đặt ra kế hoạch giải ngân theo từng tháng; tạo mọi điều kiện đơn giản các thủ tục thanh toán cho nhà thầu khi có hồ sơ nghiệm thu để có dòng tiền tăng sản lượng thi công các gói thầu xây lắp,” ông Thắng khẳng định.

Ông Thắng cũng chỉ ra trong những tháng đầu năm, một số dự án của Ban chuẩn bị đấu thầu nên việc giải ngân chắc chắn không thể cao. Thông thường, gần quý 3-4 của năm, dự án được đẩy nhanh khối lượng tiến độ thì sẽ giải ngân sẽ rất nhanh.

['Người đứng đầu đơn vị phải trăn trở hơn nữa về dự án phụ trách']

Là một trong những dự án đã hoàn thành công tác giải ngân toàn bộ kế hoạch vốn các năm 2019-2021, đại diện Ban điều hành dự án cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45 (thuộc Ban Quản lý dự án Thăng Long), cho hay năm 2022 dự án được Bộ Giao thông Vận tải giao 3.000 tỷ đồng kế hoạch vốn, đến nay đã giải ngân được 939,3 tỷ đồng (tương đương 31,3%), đáp ứng kế hoạch giải ngân chi tiết đã đăng ký với bộ.

Theo đại diện Ban điều hành, trong công tác thanh toán với nhà thầu, quy chế thanh quyết toán cũng rất rõ ràng, quy định thời gian giải quyết hồ sơ của từng bộ phận đồng thời cũng đặt mục tiêu thời gian từ lúc nhà thầu trình hồ sơ đến khi tiền về tối đa là 15 ngày, đảm bảo vòng quay nhanh nhất, giảm áp lực tài chính cho nhà thầu, công tác thi công được xuyên suốt.

“Xác định có sản lượng thi công mới có khối lượng giải ngân, thời gian qua, không chỉ bám sát tiến độ chi tiết đã được lập, Ban điều hành dự án và các nhà thầu còn chủ động dự liệu các khó khăn để có phương án khắc phục từ sớm,” đại diện Ban điều hành dự án cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45 nhấn mạnh.

Bổ sung thêm, ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long chứng minh con số qua tỷ lệ giải ngân của ban đạt 38,4%, cao hơn so với mặt bằng chung của Bộ Giao thông Vận tải (đạt gần 22%) và bình quân chung của cả nước.

Dù là đơn vị chiếm khối lượng vốn đầu tư công lớn nhất của Bộ Giao thông, tuy nhiên, ông Roãn cũng thừa nhận, áp lực giải ngân là không lớn do ban đã có nhiều kinh nghiệm tham gia ở các dự án giao thông.

“Quan trọng nhất là củng cố đội ngũ nhà thầu, tư vấn giám sát đẩy nhanh tiến độ dự án đồng thời làm các thủ tục nội nghiệp công tác nghiệm thu, thanh toán,” ông Roãn đưa ra khuyến cáo.

Không được bù giá sẽ dẫn đến chậm giải ngân

Nhiều ý kiến cho rằng cùng với giá xăng, dầu tăng cao, thời gian qua, giá các loại nguyên vật liệu chính cũng "nhảy múa" đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình thi công dự án. Các nhà thầu gặp khó khăn về tài chính do giá vật liệu đầu vào tăng đột biến so với thời điểm đấu thầu cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công bị giãn, chậm.

Theo ông Nguyễn Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Phúc Thành Hưng, chỉ tính riêng dự án Diễn Châu-Bãi Vọt, đầu tư theo hình thức PPP, tổng mức hơn 11.000 tỷ đồng, dự kiến bị tăng chi phí xây dựng lên khoảng 1.000 tỷ đồng,  trong khi chi phí dự phòng biến động giá, nhân lực, thi công tại dự án,... chỉ khoảng 300 tỷ đồng.

“Mức biến động này vượt quá sự tính toán của nhà đầu tư và cơ quan quản lý dự án. Với khoản chi phí bị chênh lệch rất lớn, nhà đầu tư đang phải làm việc với các cơ quan liên quan để tính toán, hỗ trợ thực hiện tiếp,” ông Việt nêu thực tế.

Ông Lê Đức Thọ, Phó tổng giám đốc CIENCO4 chia sẻ đơn giá thi công các gói thầu mà doanh nghiệp này đang tham gia tại các dự án thành phần đoạn Phan Thiết-Dầu Giây, Diễn Châu-Bãi Vọt, Cam Lộ-La Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu hiện đều tăng từ 15-20%, thậm chí cao hơn.

[Giá vật liệu tăng 'phi mã', nhà thầu làm cao tốc Bắc-Nam thua lỗ]

Theo ông Thọ, việc sử dụng chỉ số giá chung cho địa phương công bố cho các loại vật liệu trên địa bàn hiện chưa phù hợp. Do đó, địa phương cần xây dựng, công bố chỉ số giá xây dựng hàng tháng để áp dụng riêng cho các gói thầu/dự án thành phần, phản ánh đúng mức độ biến động giá xây dựng trên thị trường khu vực xây dựng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

‘Bão giá’ nguyên vật liệu 'níu chân' các dự án hạ tầng giao thông ảnh 1Giá vật liệu thép tăng cao đã ảnh hưởng tới tiến độ thi công của dự án giao thông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Bày tỏ lo ngại về tình trạng một số nhà thầu có suy nghĩ quan ngại giá nhiên liệu tăng cao và chờ giá xuống mới mua để triển khai thi công, ông Roãn khẳng định: “Ban Quản lý dự án Thăng Long yêu cầu các nhà thầu liên tục triển khai thi công tại các dự án vì giá nguyên vật liệu thực tế không thể kiểm soát được, nếu chờ thì không thể xong dự án.”

Theo thống kê sơ bộ của Ban Quản lý dự án Thăng Long, trong năm 2021, nếu tính công bố chỉ số giá địa phương thì trượt giá vật liệu tăng 5-7%, tuy nhiên trên thực tế trượt giá lên tới 17-18%. Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi Chính phủ và Thủ tướng đã có yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, xử lý và hiện vẫn đang nghiên cứu triển khai điều chỉnh, công bố chỉ số giá cho phù hợp.

“Giải pháp hữu hiệu nhất là thuê đơn vị tư vấn lập chỉ số giá riêng cho dự án cao tốc Bắc-Nam. Các Ban Quản lý dự án, nhà thầu thi công đều mong muốn Bộ Xây dựng sớm vào cuộc để có giải pháp, đáp ứng nhu cầu vốn cho nhà thầu,” ông Roãn kiến nghị.

Một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông nhận định trong bối cảnh biến động giá hiện nay, nếu nhà thầu không được bù giá sớm, tiến độ thi công cao tốc Bắc-Nam rất dễ bị ảnh hưởng khi nhà thầu giảm nhịp độ thi công, chờ giá thành hạ nhiệt, gián tiếp ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn, dẫn đến việc tổng huy động nguồn lực đưa dự án về đích sớm sẽ trở nên khó khăn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục