Bảo hiểm thất nghiệp khó tới lao động nông thôn

Từ ngày đầu tiên của năm 2009, bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực, nhưng phải mất ít nhất 1 năm sau thì người lao động mới được hưởng đồng tiền đầu tiên, nếu thất nghiệp. Bên cạnh những phân vân về thời hạn được hưởng bảo hiểm thì những lo ngại liệu lao động ở nông thôn - lực lượng lao động số đông, có "với" được tới chính sách này hay không, cũng đang là mối quan tâm hàng đầu.

Từ ngày đầu tiên của năm 2009, bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực, nhưng phải mất ít nhất 1 năm sau thì người lao động mới được hưởng đồng tiền đầu tiên, nếu thất nghiệp. Bên cạnh những phân vân về thời hạn được hưởng bảo hiểm thì những lo ngại liệu lao động ở nông thôn - lực lượng lao động số đông, có "với" được tới chính sách này hay không, cũng đang là mối quan tâm hàng đầu.
 

Người lao động, chỉ lo mưu sinh trước mắt…
 

Anh Hoàng Đình Quý, tham gia vào Hợp tác xã Công nghiệp dệt Triều Khúc (xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội), đã hơn 10 năm nay. Hiện, nguồn thu nhập chính của gia đình anh hoàn toàn phụ thuộc những đơn hàng mà hợp tác xã giao cho xã viên làm.
 

Khi được biết thông tin về bảo hiểm thất nghiệp, anh Quý không mấy quan tâm, anh bảo: “Khả năng thất nghiệp ở hợp tác xã này là rất ít. Khi nào hợp tác xã giải thể thì chúng tôi mới mất việc, còn hợp tác xã vẫn tồn tại thì chúng tôi vẫn có việc làm. Chúng tôi chỉ lo tới việc ngày mai, tháng sau có đơn hàng hay không thôi, chứ lâu dài để hưởng chế độ này kia thì chưa ai nghĩ tới…”
 

Hợp tác xã Công nghiệp dệt Triều Khúc có 95 xã viên, hầu hết các đơn đặt hàng của hợp tác xã được giao về cho xã viên kết hợp làm tại nhà. Ông Nguyễn Hữu Quy, chủ nhiệm hợp tác xã, cho biết: "Ngay cả Bảo hiểm xã hội bắt buộc, chúng tôi vẫn chưa đóng được, nên bảo hiểm thất nghiệp, nếu xã viên nào có điều kiện thì… tự lo! hợp tác xã không thể quán xuyến hết được…"
 

Trước thông tin bảo hiểm thất nghiệp sẽ thực thi vào ngày 1/1/2009, các xã viên hợp tác xã là lao động chính khu vực nông thôn, không mấy mặn mà… Anh Nguyễn Văn Thiện, lao động ngắn hạn trong hợp tác xã Nam Quy (Thanh Trì, Hà Nội), sau khi được biết thông tin về bảo hiểm thất nghiệp, nói: “Chỉ cần hợp tác xã trả lương đều đặn và cao hơn là tốt rồi. Còn bảo hiểm thất nghiệp thì tôi không biết nhiều nên không quan tâm.”

Kế toán của hợp tác xã dệt Nam Quy, ông Chu Văn Hào thì cho rằng: “Bảo hiểm thất nghiệp phải quy định nguời lao động có hợp đồng dài hạn. Ngoài các lao động chính là xã viên, chúng tôi có thuê thêm lao động ngoài, hầu hết ký ngắn hạn, nên cũng rất khó để tham gia”.
 

HTX: Cái khó bó cái "lo"
 

Trong cuộc tọa đàm triển khai Bảo hiểm thất nghiệp ngày 22/12 vừa qua của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Việc làm, có nêu ý kiến về tình hình suy thoái toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến người lao động, trong đó chỉ ảnh hưởng tới thất nghiệp chủ yếu tác động đến khu vực chính thức, tức là khoảng 9 triệu lao động làm việc tại các doanh nghiệp. Còn trên 35 triệu lao động làm việc ở khu vực nông thôn (trong đó có khoảng 12,5 triệu lao động trong các hợp tác xã) chỉ bị giảm bớt thời gian làm việc, chứ không dẫn đến mất việc làm hoàn toàn.

Thế nhưng, ông Phan Vĩnh Điển, Phó ban Chính sách Phát triển của Liên minh Hợp tác xã (đại diện cho giới chủ lao động khu vực nông thôn) lại không đồng tình với quan điểm này. Trong cuộc trao đổi riêng với Vietnam+, ông Điển cho rằng không nên coi lao động khu vực nông thôn là khu vực lao động phi kết cấu và những ảnh hưởng tới khu vực này là không nhỏ. Vì với đồng lương thấp, khi bị mất việc cuộc sống người lao động nông thôn sẽ gặp rất nhiều khó khăn…

"Tính đến tháng 6/2008, cả nước có 17.900 hợp tác xã; trong đó chỉ có 12% đóng được bảo hiểm xã hội bắt buộc. Con số này quả là ít ỏi, trong khi nguyện vọng xã viên muốn đóng bảo hiểm thất nghiệp , nhưng gặp khó khăn vì đồng lương chỉ có 500 đến 800 nghìn đồng một tháng."- ông Điển cho biết.

Nguyện vọng là thế, nhưng nếu yêu cầu các hợp tác xã phải đóng bảo hiểm cho xã viên vào thời điểm hiện nay là khó. Các mô hình hợp tác xã là làm dịch vụ và kinh doanh sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, các mặt hàng xuất khẩu, sẽ gặp khó khăn vì suy thoái kinh tế toàn cầu. Mặt khác, năm 2009 khi thực hiện mức lương mới, tối thiểu 650 nghìn đồng/ tháng, sẽ tạo áp lực rất lớn với các hợp tác xã khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

"Hiện nay chỉ có khoảng 12% số hợp tác xã có đủ khả năng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động đồng nghĩa với chỉ khoảng từng đó tiếp cận được với bảo hiểm thất nghiệp. Nhiều hợp tác xã, ngay cả bảo hiểm xã hội bắt buộc cũng chưa thể đóng quỹ được thì nói gì đến bảo hiểm thất nghiệp. Chưa kể, trong năm 2009, tỷ lệ đó cũng chỉ có thể duy trì hoặc giảm đi, chứ mở rộng thêm nữa là khó !", ông Điển nhận định.
 

Vì vậy, theo ông Điển, với sức cạnh tranh của kinh tế thị trường hiện nay, nhiều hợp tác xã đã gặp khó khăn, nếu đóng thêm bảo hiểm thất nghiệp thì nhiều hợp tác xã sẽ không chịu nổi. Do đó, quyền về Hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể, trong Luật Lao động mới nên quy định, nếu doanh nghiệp và đơn vị sử dung lao động (trong đó có hợp tác xã) không đủ khả năng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì nên cho người lao động đóng bảo hiểm tự nguyện, như bảo hiểm thất nghiệp.

Bên cạnh đó, Liên minh Hợp tác xã cũng có kế hoạch tuyên truyền cho người lao động trong các hợp tác xã hiểu nghĩa vụ và quyền lợi khi đóng bảo hiểm thất nghiệp./.
 

Thông Chí (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục