Báo Pháp: Iran đang 'câu giờ' đối với hiệp định hạt nhân

Theo báo Pháp Le Monde, cho dù đã đưa ra một cử chỉ đáng khích lệ, song Iran dường như chưa sẵn sàng quay trở lại tình trạng bị quốc tế kiểm soát liên quan đến vấn đề hạt nhân.
Báo Pháp: Iran đang 'câu giờ' đối với hiệp định hạt nhân ảnh 1Kỹ thuật viên làm việc tại cơ sở hạt nhân Isfahan, cách thủ đô Tehran của Iran 420km về phía nam. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cứu vãn Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA), hay còn được gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran, là một ưu tiên của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán về thỏa thuận này đang diễn biến rất chậm.

Theo báo Pháp Le Monde, cho dù đã đưa ra một cử chỉ đáng khích lệ, song Iran dường như chưa sẵn sàng quay trở lại tình trạng bị quốc tế kiểm soát.

Ngày 12/9, Iran đã chấp nhận thay thế các thẻ nhớ lắp đặt trong hệ thống camera giám sát do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) lắp đặt tại các cơ sở được liệt kê của họ. Động thái của Tehran không cho thấy bất cứ điều gì diễn ra kế tiếp, nhưng những người muốn cứu vãn JCPOA đang cố gắng diễn giải động thái đó như một tín hiệu tích cực.

Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi đã có mặt tại Tehran trong ngày diễn ra sự kiện, ngay trước thềm khai mạc Hội đồng các thống đốc của tổ chức. Trở về Áo, ông thừa nhận “đây không phải là giải pháp thường trực” cho cuộc khủng hoảng. Nhượng bộ vào phút chót của Iran giúp đẩy lùi thời hạn phương Tây ra một nghị quyết lên án thái độ của Iran, nhưng nó chỉ giải quyết một vấn đề thuần túy mang tính chất kỹ thuật.

Tháng 2 vừa qua, Tehran đã rút khỏi thỏa thuận hợp tác với IAEA, sau đó chấp nhận một giải pháp là cho duy trì các camera an ninh giám sát. Từ cuối tháng 6/2021, Iran không còn khẳng định tiếp tục lựa chọn này, cũng không cho phép thanh sát viên quốc tế tiếp cận để đánh giá các trang thiết bị về mặt kỹ thuật.

Trong báo cáo công bố ngày 7/9, IAEA cho rằng năng lực kiểm sát và giám sát của cơ quan “đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng” từ tháng 2/2021. Theo tiết lộ của tờ Wall Street Journal, căng thẳng xung quanh các chuyến thanh sát này ngày càng gia tăng do thường xuyên xảy ra các hành vi quấy nhiễu và cử chỉ không phù hợp đối với thanh sát viên nữ.

Iran chơi trò cân não với phương Tây

Các chuyến thanh sát của IAEA chỉ là một trong những hoạt động của IAEA. Mỹ và 3 nước châu Âu là Anh, Pháp, Đức vẫn đang cố kiên trì trước các biện pháp hoãn binh của Tehran. Từ tháng 6/2021, không còn cuộc gặp nào giữa các nhà ngoại giao tại Vienna để cố cứu vãn JCPOA. Cuộc bầu cử tổng thống với chiến thắng của ứng cử viên siêu bảo thủ Ebrahim Raisi ngày 18/6 đã dẫn đến tình trạng đình trệ.

Về mặt chính thức, ban lãnh đạo mới cần có thời gian để củng cố bộ máy. Tuy nhiên, tại Washington cũng như ở các thủ đô châu Âu, người ta tự hỏi liệu có khả năng có sự thay đổi chiến lược của Iran? Họ bắt đầu theo dõi việc chế độ Iran bổ nhiệm những người được cho là nghiêng về xu thế cứng rắn. Tehran có muốn cứu vãn thỏa thuận hạt nhân được ký năm 2015, hay chính quyền mới sẽ đặt cược vào chính sách "cắt đứt" với quan điểm trước đây và trông chờ vào khả năng chống đỡ của nền kinh tế trước các biện pháp trừng phạt ? Cuộc rút quân vội vã và mang tính thảm họa của Mỹ khỏi Afghanistan có làm suy yếu lập trường của Washington trong hồ sơ hạt nhân hay không?

[Vấn đề hạt nhân Iran: Nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng mới]

Ở hậu trường, Mỹ đang cố gắng thuyết phục Nga gây áp lực đối với Tehran. Đặc phái viên của chính quyền Biden là Robert Malley đã đến Moskva ngày 8/9. Ông đã gặp Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Riabkov. Ông Riabkov đã kêu gọi Mỹ “chứng tỏ trách nhiệm và thiện chí” nhưng lại không nêu ra thời gian biểu nào. Tuy nhiên, các nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức đã chia sẻ quan điểm của Washington về tính cấp bách của vấn đề.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã có cuộc trao đổi với ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian. Phía Iran đã nêu ra một kỳ hạn “2 đến 3 tháng” để ban lãnh đạo mới sẵn sàng quay trở lại lộ trình tại Viên (Áo).

Theo Berlin, kỳ hạn này “quá dài”. Iran đang chơi trò cân não với phương Tây vì cho rằng Tehran đang ở thế mạnh. Họ từ chối trả lời câu hỏi của IAEA về việc cơ quan này phát hiện từ trước thời điểm năm 2003 các phần tử urani tại nhiều địa điểm không được tuyên bố.

Tháng 12/2020, lãnh tụ tối cao của Iran Ali Khamenei dường như đã trao cho ngoại giao một cơ hội khi tuyên bố không nên trì hoãn “kể cả chỉ một giờ” nếu như các biện pháp trừng phạt của Mỹ có thể được dỡ bỏ “một cách khôn ngoan." Mục tiêu của các cuộc đàm phán được tiến hành tại Rome là đưa Mỹ trở lại JCPOA (Washington đã rút năm 2018 dưới thời chính quyền Donald Trump), đồng thời buộc Iran tuân thủ thỏa thuận, đổi lại việc Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, sự ngờ vực lẫn nhau và nhiều điểm phức tạp về mặt kỹ thuật đã cản trở các bên đi đến đồng thuận trước cuộc bầu cử tổng thống Iran.

Không khí bi quan bao trùm

 Trong chuyến công du Đức ngày 8/9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đưa ra cảnh báo mới: “Tôi sẽ không xác định một ngày cụ thể, nhưng chúng ta đang tiến gần đến điểm mà việc quay trở lại tuân thủ JCPOA sẽ không còn mang lại lợi ích mà thỏa thuận này từng tạo ra, bởi vì thời gian càng trôi đi, Iran càng đi xa hơn trong chương trình hạt nhân."

Ông cũng nêu ra số liệu về khối lượng hạt nhân làm giàu Iran đã tích lũy, việc nước này sử dụng các loại máy ly tâm hiện đại hơn và kiến thúc, kinh nghiệm thu được trong quá trình nghiên cứu và phát triển. Thời gian càng trôi đi, sự bi quan cũng tăng lên. Theo Viện khoa học và an ninh quốc tế, cơ quan nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Mỹ chuyên phân tích dữ liệu do IAEA công bố, thời hạn theo lý thuyết để đạt được đủ lượng urani làm giàu cần thiết để chế tạo một đầu đạn hạt nhân (sau đó lắp trên một loại vũ khí) đã rút ngắn xuống chỉ còn 1 tháng.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 9/9 cho rằng “chưa đến thời điểm từ bỏ” các nỗ lực. Tuy nhiên, thách thức đối với vấn đề chống phổ biến vũ khí và an ninh khu vực rất lớn. Mỹ, châu Âu và Israel đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại sẽ không có chuyện để Iran tiếp cận bom hạt nhân. Đối với chính quyền Biden, cứu JCPOA là một trong những ưu tiên cao nhất của giai đoạn đầu nhiệm kỳ, cùng với việc rút quân khỏi Afghanistan. Một thất bại mới, dù được quy cho thái độ cứng nhắc của Iran, sẽ là một đòn giáng mạnh.

"Raisi tưởng tượng Biden rất muốn có một thỏa thuận, muốn một thành công trong chính sách đối ngoại để làm chệch hướng chú ý về Afghanistan và thiết lập sự ổn định cho một trong những vấn đề quốc tế quan trọng," bà Kelsey Davenport - phụ trách về chống phổ biến vũ khí của Hiệp hội kiểm soát vũ trang (Mỹ) - nói “thế nhưng ông ta đang diễn giải không đúng tình hình và các lợi ích của Mỹ."

Cảnh báo từ Israel

Trong trường hợp các cuộc thảo luận tại Vienna bị cắt, sẽ không còn nhiều lựa chọn tiếp theo. Bà Davenport nhận định: “Tôi không tin rằng điều đó sẽ phù hợp với lợi ích của P5+1, hoặc Iran sẽ leo thang căng thẳng. Không còn giải pháp nào khác ngoài ngoại giao. Nhưng Raisi đang 'đùa với lửa'. Nếu ông đi quá xa bằng cách làm trì trệ tiến trình đàm phán và quỹ đạo hạt nhân của Iran vẫn tiếp tục, ông ta sẽ có nguy cơ thấy Mỹ rời khỏi bàn đàm phán.

Tuy nhiên, chúng ta hy vọng những cái đầu lạnh sẽ thắng. Mỹ, châu Âu và Iran có thể thảo luận về một thỏa thuận tạm thời để ổn định tình hình. Thỏa thuận mới sẽ khiến Iran ngừng một số hoạt động nhạy cảm nhất, đổi lấy việc dỡ bỏ hạn chế một phần biện pháp trừng phạt trong khi chờ đợi JCPOA trở lại và những cuộc đàm phán kế tiếp."

Một lựa chọn khác là biện pháp quân sự hoặc tiếp tục chiến tranh tin học, đã được Israel sử dụng, theo đánh giá của giới phân tích. Ngày 12/9, thêm một lần nữa Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã cảnh báo các nước P5+1 đang có ý định cứu vãn JCPOA: “Iran phải hiểu rằng họ đang đứng trước các cường quốc rất quan tâm đến việc vãn hồi thỏa thuận hạt nhân với gần như bất cứ giá nào, và tôi nhắc lại với các ngài rằng chúng tôi không tin tưởng gì vào cái thỏa thuận này. Nó chẳng mang lại lợi ích gì. Thế nhưng, Iran vẫn cố kéo dài mọi thứ và tiếp tục tiến lên trong thời gian chờ đợi."

Cảm giác có Nga và Trung Quốc chống lưng, Iran tiếp tục đi theo con đường của mình - con đường mà họ cho rằng đang nằm trong vòng kiểm soát.

Hiện IAEA ước tính đến ngày 30/8, kho urani làm giàu của Iran lên đến 2.441 kg, giảm nhẹ so với cuối tháng 5/2021 (3.241kg) nhưng vẫn cao hơn nhiều mức trần mà JCPOA cho phép (202,8kg).

Khối lượng urani làm giàu 20% đã tăng lên 84,3%, làm giàu 60% lên 10kg. Chưa thể xác định được lượng urani kim loại tinh khiết, một ranh giới đỏ tuyệt đối. Giới phân tích theo dõi rất sát mức độ làm giàu urani của Iran vì nó cho thấy quyết tâm của nước này và làm phức tạp các giải pháp quay trở lại khuôn khổ thỏa thuận 2015./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục