Bảo tồn, phát triển bền vững cây thuốc tại Vườn Quốc gia Bến En

Nhờ sự phong phú và đa dạng về sinh học, mới đây, Ban quản lý Vườn Quốc gia Bến En triển khai dự án khoa học “Điều tra, đánh giá hiện trạng, bảo tồn và phát triển bền vững các loài cây thuốc ở Vườn."
Cây thuốc quý Địa Liền tại Vườn quốc gia Bến En. (Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN)

Ở phía Tây Nam, cách thành phố Thanh Hóa chừng 50km có một khu du lịch sinh thái khá nổi tiếng trong cả nước, đó là Vườn quốc gia Bến En mà bất kể ai cũng đều muốn đến thăm dù chỉ một lần.

Vườn quốc gia này được thành lập vào năm 1992 theo quyết định số 33/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) nhằm bảo tồn hệ sinh thái ở khu vực rừng núi đất đai thấp thuộc địa bàn hai huyện Như Thanh và Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Nơi đây được ví như “Hạ Long trên cạn” bởi vẻ đẹp hoang sơ với rừng xanh bạt ngàn, mây nước lung linh. Điểm nhấn tạo nên vẻ đẹp kỹ vĩ của Vườn quốc gia Bến En là hồ Bến En hay còn gọi là sông Mực, rộng khoảng 4.000ha, sâu hàng chục mét, gồm hồ Thượng và hồ Hạ, nằm ở độ cao khoảng 200m so với mực nước biển, mặt sông bốn mùa phẳng lặng, màu nước trong xanh.

Với tất cả những gì hiện được bảo tồn, phát triển sau 30 năm thành lập cho đến nay, Vườn quốc gia Bến En đã và đang trở thành địa chỉ du lịch sinh thái hấp dẫn cho du khách trong, ngoài nước. Đặc biệt, thời qua Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã cấp phép cho Tập đoàn Sun Group đầu tư “siêu dự án” tại đây; theo đó Quần thể Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và nuôi trai lấy ngọc kết hợp bảo tồn Vườn Quốc gia Bến En có tổng mức đầu tư 9.990 tỷ đồng. Dự án được chia làm 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 là 4.995 tỷ đồng; giai đoạn 2 là 4.995 tỷ đồng.

[Bảo tồn loài khỉ Macaca quý hiếm tại Vườn Quốc gia Bến En]

Với tổng diện tích tự nhiên 14.734,67ha được nằm ở khu vực địa lý có tọa độ từ 1931’ đến 1943’ vĩ độ Bắc, 10525’ đến 10538’ kinh độ Đông, Vườn quốc gia Bến En có sự đan xen của nhiều dạng địa hình đồi núi, sông, suối, hồ… đã tạo ra nhiều kiểu hệ sinh thái khác nhau (trong đó đặc trưng nổi bật nhất là hệ sinh thái rừng nhiệt đới thường xanh trên núi đất thấp, trên núi đá vôi và hệ sinh thái sông, suối, hồ).

Từ sự đa dạng về hệ sinh thái đã dẫn đến sự đa dạng, phong phú về sinh học với nhiều giống, loài động, thực vật còn được bảo tồn một cách nghiêm ngặt, bền vững. Qua các đợt điều tra, khảo sát gần đây, những nhà quản lý Vườn đã xác định tương đối chính xác về hệ thực vật Bến En gồm 6 ngành với 1389 loài thực vật có mạch thuộc 650 chi, 173 họ, trong đó có 29 loài nằm trong danh mục đỏ của IUCN và 42 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam.

Sự phong phú, đa dạng về sinh học của Vườn quốc gia Bến En đã được các nhà khoa học trên thế giới đánh giá rất cao. Sau một lần tham quan, khảo sát tại Vườn quốc gia Bến En, Tiến sỹ Manfred Nienisch, Giám đốc điều hành Tổ chức bảo vệ rừng nhiệt đới (OROVERDE) nhận xét: “Việt Nam là nơi hiếm có với đặc điểm đa dạng, sinh học của mình. Thậm chí trên toàn thế giới cũng chỉ có rất ít quốc gia có sự phong phủ tương tự như vậy về thành phần các loài động vật và thực vật hoang dại.” (Trích trong tay lưu niệm của Vườn quốc gia Bến En).

Nhờ sự phong phú và đa dạng về sinh học, mới đây, Ban quản lý Vườn Quốc gia Bến En đang triển khai dự án khoa học “Điều tra, đánh giá hiện trạng, bảo tồn và phát triển bền vững các loài cây thuốc tại Vườn Quốc gia Bến En, tỉnh Thanh Hóa, (giai đoạn 2020-2022)” nhằm xác định thực trạng quần thể cây thuốc để bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên cây thuốc.

Vườn Quốc gia Bến En có nhiều loài động, thực vật quý hiếm; trong đó có nhiều loài cây thuốc quý hiếm có công dụng chữa bệnh. Do có giá trị kinh tế cao nên nhiều người dân đã khai thác quá mức mà không trồng phục hồi, dẫn đến các loài cây thuốc đang mất dần.

Một cây thuốc quý được phát hiện tại Vườn quốc gia Bến En. (Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN)

Theo ông Nguyễn Đình Hiếu, Phó Giám đốc Ban quản lý Vườn Quốc gia Bến En, đến thời điểm này, dự án đã điều tra, xác định được các mối đe dọa đến tài nguyên, thành phần của các loài cây thuốc. Qua đó xác định được nơi phân bố của các loài cây thuốc đặc hữu, quý hiếm, có giá trị kinh tế cao ở Vườn Quốc gia Bến En.

Cán bộ dự án đã lập danh mục các loại cây thuốc quý hiếm với 374 loài, thuộc 119 họ; từ đó đã thu hái mẫu tiêu bản và xây dựng được 450 mẫu tiêu bản, bộ ảnh mầu tiêu bản của 150 loài cây thuốc, vẽ được bản đồ phân bố một số loài cây thuốc quý hiếm ở các khu rừng Bến En. Hiện Ban quản lý đã sản xuất được cây giống và thực hiện 3 mô hình trồng các cây thuốc quý gồm Hoài sơn, Thiên niên kiện và Thổ phục linh.

Thời gian tới, Ban quản lý Vườn Quốc gia Bến En sẽ điều tra, xác định thành phần loài của các cây thuốc trên 50 tuyến và thu thập kiến thức của người dân quanh địa bàn giáp ranh trong gây trồng, chế biến một số loài cây thuốc quý có giá trị kinh tế cao; in phát 2.000 tờ rơi về một số loài cây thuốc quý, tổ chức các hội nghị tuyên truyền tại 26 thôn vùng lõi, vùng đệm giáp ranh, tập huấn và nâng cao kiến thức về bảo tồn các cây thuốc quý cho 1.300 người dân, cán bộ thôn quanh khu vực Vườn Quốc gia Bến En.

Ban quản lý Vườn Quốc gia Bến En cũng nghiên cứu và xuất bản sách về một số cây thuốc quý, hiến, có giá trị kinh tế cao, xây dựng Video giới thiệu về tài nguyên cây thuốc, tờ rơi tuyên truyền, từ đó tìm ra giải pháp bao tồn và phát triển tài nguyên cây thuốc tại Vườn; xây dựng kỹ thuật nhân giống các thuốc, phấn đấu khi kết thúc dự án sẽ nhân giống được 9.000 cây thuốc của 3 loài Thiên niên kiện, Thổ phục linh, Hoài sơn phục vụ trồng nhân rộng các mô hình tại vùng đệm...

Việc thực hiện dự án giúp Ban quản lý Vườn Quốc gia Bến En bảo tồn, phát triển được các cây thuốc quý hiếm, tạo nguồn cung cấp nguyên liệu để sản xuất thuốc chữa bệnh, góp phần bảo tồn các loài thực vật quý hiếm và bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu vùng Bến En.

Cây thuốc Thiên niên kiện có công dụng chữa khớp xương đau nhức, đau dạ dày, kích thích tiêu hóa, còn dùng làm nguyên liệu chế tinh dầu sử dụng trong kỹ nghệ nước hoa. Cây thuốc Thổ phục linh dùng làm thuốc tẩy máu, làm ra mồ hôi, chữa giang mai và làm nguyên liệu chế nước ngọt giải khát. Cây Hoài sơn ngoài việc dùng để ăn còn làm thuốc chữa ăn uống khó tiêu, viêm ruột kinh niên, di tinh, mồ hôi trộm, chữa mụn nhọt..../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục