Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bạo lực, xâm hại trong thế giới số

Trong trong thế giới số, trẻ em có nhiều cơ hội được khai thác, tiếp cận nguồn thông tin, tri thức vô tận nhưng cũng phải đối mặt với vô vàn nguy cơ thông tin không an toàn, lành mạnh.
Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bạo lực, xâm hại trong thế giới số ảnh 1Lễ phát động tháng trẻ em năm 2018. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)

Trong bối cạnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và trong thế giới số, trẻ em có rất nhiều cơ hội được khai thác, tiếp cận nguồn thông tin và tri thức vô tận. Nhưng bên cạnh đó, trẻ em cũng gặp vô vàn nguy cơ bị tổn hại do thông tin không an toàn, lành mạnh.

Trẻ em cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ bị bóc lột, xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục trên môi trường mạng. Do đó, Tháng hành động vì trẻ em năm 2018 được phát động trên toàn quốc với chủ đề: “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em” đặc biệt là an toàn cho trẻ em trong thế giới công nghệ số.

[Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Cần cho ra khỏi ngành cô giáo bạo hành trẻ]

Đây là thông tin được đưa ra tại lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2018 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức ngày 27/5 tại Phú Thọ

Mục đích, nội dung của Tháng hành động vì trẻ em năm 2018 cần bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền trẻ em, đặc biệt là quyền được tham gia vào các vấn đề về trẻ em và quyền được bảo vệ để không bị xâm hại trong thế giới công nghệ số.

Phát biểu tại buổi lễ phát động, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn manh, hơn 20 năm qua kể từ khi Việt Nam chính thức hòa mạng toàn cầu, Internet đã làm thay đổi cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, môi trường mạng cũng đã và đang tạo ra những rủi ro, nguy hại cho trẻ em nếu chúng ta không có các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời.

 “Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động”, từ thông điệp nhân văn này, Phó Chủ tịch nước Đặng Ngọc Thịnh yêu cầu các bộ, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, chính quyền địa phương và mỗi cá nhân cùng nhau hành động để tạo ra môi trường sống an toàn, lành mạnh để trẻ em được phát triển toàn diện.

Ông Youssouf Abdel-Jelil, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho rằng, bạo lực với trẻ em trực tuyến hay ngoại tuyến là hành vi không thể chấp nhận được và có thể phòng ngừa. Việt Nam cần bổ sung thêm các các nhân viên công tác xã hội và phân bổ nguồn lực tài chính, lồng ghép mục tiêu bảo vệ trẻ em vào ngân sách, chỉ tiêu phát triển xã hội ở trung ương và địa phương.

“ Bên cạnh đó, chúng ta cần khuyến khích trẻ em tìm hiểu thêm về quyền của mình, gọi về tổng đài trẻ em quốc gia 111 khi cần thiết,” ông Youssouf Abdel-Jelil nhấn mạnh.

Các hoạt động của Tháng hành động vì trẻ em sẽ tập trung nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà trường và gia đình trong việc phát huy các tác động tích cực, hạn chế các tác động tiêu cực của thế giới công nghệ số đến sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, trẻ em sẽ được phổ biến, giáo dục kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ số an toàn, lành mạnh.

Kỹ năng phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng sẽ được phổ biến cho cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và trẻ em. Tháng hành động vì trẻ em còn có các hoạt động “Mùa hè an toàn cho trẻ em,” tổ chức tốt việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và chính quyền cơ sở, các tổ chức, đoàn thể trong việc quản lý, giám sát, hướng dẫn trẻ em vui chơi an toàn, lành mạnh và phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt tai nạn đuối nước.

Ngoài lễ phát động, Tháng hành động vì trẻ em năm nay còn diễn ra các hoạt động như: Chủ tịch nước gặp mặt đại biểu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại Phủ Chủ tịch; Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tổ chức các hoạt động tuyên dương đại biểu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại Hà Nội; tổ chức hoạt động "Ngày chủ nhật yêu thương”, cung cấp thiết bị công nghệ, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.... Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam sẽ tặng quà cho gần 5.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên toàn quốc với tổng kinh phí hơn 14 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hội thảo, diễn đàn xây dựng mạng lưới quốc gia bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng sẽ được tổ chức tại trung ương, địa phương. Tập huấn cho trẻ em nòng cốt về quyền trẻ em và kỹ năng an toàn cho trẻ em trong thế giới công nghệ số, sử dụng mạng xã hội một cách an toàn./.

Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức hàng năm trong suốt 25 năm qua theo quy định của Luật Trẻ em năm 2016, Tháng hành động vì trẻ em được tổ chứ vào tháng 6 hàng năm để thúc đẩy phong trào toàn dân hăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục