Bất bình đẳng xã hội - mầm mống của bất ổn ở Ai Cập

Bất bình đẳng xã hội-mầm mống của bất ổn ở Ai Cập

Thủ đô Cairo nhìn từ trên cao cho thấy một bức tranh hỗn hợp: các khu dân cư mới hiện đại, sang trọng và khép kín mọc lên như nấm, trong khi cách đó không xa, những khu nhà ổ chuột thiếu mọi dịch vụ công cộng, nơi mọi người sống chen chúc.

Bất bình đẳng xã hội, tham nhũng gia tăng, tất cả đã tạo ra cảm giác cay đắng, thổi bùng sự phẫn nộ trong mỗi người dân lao động Ai Cập.
Với tỷ lệ thất nghiệp và người nghèo ngày càng tăng, sự bất bình đẳng vẫn tồn tại ở Ai Cập. Thủ đô Cairo nhìn từ trên cao cho thấy một bức tranh hỗn hợp: các khu dân cư mới hiện đại, sang trọng và khép kín mọc lên như nấm, trong khi cách đó không xa, những khu nhà ổ chuột thiếu mọi dịch vụ công cộng, nơi mọi người sống chen chúc.

Cảnh quan này không chỉ là kết quả của việc đô thị hóa không được kiểm soát mà còn phản ánh sự bất bình đẳng xã hội và vấn đề này còn tiếp tục phát triển.

Trong hai mươi năm qua, Ai Cập tự do hóa khu vực tư nhân và thương mại nước ngoài. Quốc gia này đã có thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ. Nhưng những người cần nhất không được hưởng những lợi ích từ sự tăng trưởng.

Theo Ahmed Galal, giám đốc Diễn đàn Nghiên cứu Kinh tế, đó là do "sự bất bình đẳng thu nhập, sự chênh lệch giữa các vùng và giữa nam giới và phụ nữ." Và bởi vì không phải ai cũng có cơ hội như nhau. Ví dụ, tại những ngôi làng nghèo nhất, ở phía Nam của Ai Cập, không có trường trung học. Việc đi lại giữa các làng rất tốn kém. Các gia đình từ bỏ việc cho con em đến trường học ở thị trấn lân cận, làm mất cơ hội tiếp tục được học tập của các em.

Trên quy mô xã hội, các gia đình giàu có cung cấp cho con cái của họ một nền giáo dục tốt hơn, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng tốt hơn, nước sạch...

Ngược lại, phần còn lại của dân số bị tước đi một số dịch vụ, chẳng hạn như các khoản vay ngân hàng, giáo dục và khả năng tin tưởng vào công lý, như đã nêu trong Báo cáo thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), được công bố vào năm 2012. 

Nghiên cứu cũng cho rằng ở châu Á, số lượng người nghèo đã giảm đi một nửa, nhưng sự bất bình đẳng đang gia tăng. Sự gia tăng có liên quan chặt chẽ với sự phát triển nhanh chóng của các nhóm có thu nhập cao. Điều này có nghĩa rằng những người giàu trở nên giàu hơn, nhanh hơn.

Để giảm bớt sự bất bình đẳng, cần phải cung cấp các điều kiện tương tự cho tất cả mọi người khi bắt đầu cuộc sống về dịch vụ công cơ bản. Đối với các nhà kinh tế, sự bất bình đẳng về cơ hội cản trở tăng trưởng và phát triển.

Tại một hội nghị gần đây về chủ đề này được tổ chức tại Manila, Philippines, François Bourguignon, Hiệu trưởng của Trường Kinh tế Paris, giải thích: "Trong suốt 15 năm qua, các nhà kinh tế đã nghiên cứu mối quan hệ giữa bất bình đẳng và phát triển. Khi của cải tập trung trong tay của một thiểu số, nó cản trở sự tăng trưởng và phát triển."

Đối với François Bourguignon, cần phải vượt qua chỉ số về bất bình đẳng, trong đó có mức thu nhập, tiêu dùng và đôi khi là sự giàu có.

Ông Bourguignon nói: "Cần bổ sung thêm các chỉ số như tiếp cận với thị trường lao động, sự phân biệt đối xử trong thị trường này hoặc lĩnh vực nhà ở."

Còn Mostafa Kamel Nabli, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Tunisia, cho biết kể từ khi cuộc cách mạng, loại hình bất bình đẳng rất khó đo lường.

Hơn nữa, ông Nabli cho biết thêm các yếu tố khác tạo ra một cảm giác cay đắng đối với sự bất bình đẳng trong thế giới Ảrập: đó là tham nhũng.

Trả lời phỏng vấn báo chí gần đây, ông Nabli nhấn mạnh rằng sự bất bình đẳng được xem là áp lực và bất công hơn nếu sự giầu có được tích lũy từ tham ô.

Cuộc chiến chống tham nhũng ở Ai Cập sẽ là một công cụ hữu hiệu chống lại sự bất bình đẳng. Tuy nhiên, theo ông Bourguignon, nếu xã hội bị chi phối bởi một "tầng lớp săn mồi ưu tú" và không phải là một "giới tinh hoa có tầm nhìn chiến lược," nhiệm vụ này sẽ rất khó khăn. Do đó, người Ai Cập vẫn phải tiến hành cuộc chiến chống lại giai cấp thống trị./.

Hoàng Chiến/Cairo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục