Bắt đầu vòng đàm phán thứ 5 giải quyết khủng hoảng tại Mali

Vòng đàm phán thứ 5 giữa chính phủ Mali và các nhóm vũ trang miền Bắc nước này nhằm đạt được thỏa thuận hòa bình đã bắt đầu ngày 16/2 tại thủ đô của Algiers
Bắt đầu vòng đàm phán thứ 5 giải quyết khủng hoảng tại Mali ảnh 1Bộ trưởng Ngoại giao Mali Abdoulaye Diop chủ trì phiên đàm phán hòa bình tại thủ đô của Algiers tháng 7/2014. (Nguồn: AFP)

Vòng đàm phán thứ 5 giữa chính phủ Mali và các nhóm vũ trang miền Bắc nước này nhằm đạt được thỏa thuận hòa bình đã bắt đầu ngày 16/2 tại thủ đô của Algiers.

Phát biểu tại vòng đàm phán, Bộ trưởng Ngoại giao, Hội nhập châu Phi và Hợp tác quốc tế của Mali, ông Abdoulaye Diop, bày tỏ mong muốn vòng đàm phán sẽ đi tới một thỏa thuận hòa bình bền vững trên cơ sở dự thảo thỏa thuận hòa bình mà nhóm trung gian hòa giải quốc tế đưa ra.

Theo ông Diop, bản dự thảo có thể chưa thực sự hoàn hảo nhưng là tiền đề vững chắc và nền tảng tin cậy nhất để các bên có thể đạt được thỏa thuận. Ông Diop kêu gọi các phe phái chính trị và quân sự ở phía Bắc Mali giảng hòa, cùng nhau xây dựng đất nước thịnh vượng và đoàn kết theo ước nguyện của người dân Mali.

Với vai trò là nước đứng đầu nhóm trung gian hòa giải quốc tế, Ngoại trưởng Angeria Ramtane Lamara kêu gọi các bên tham gia đàm phán thể hiện tinh thần trách nhiệm và sẵn sàng thực hiện các cam kết.

Tuần trước, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã hối thúc chính phủ Mali và các nhóm vũ trang ở miền Bắc nước này đẩy nhanh tiến trình đàm phán hòa bình, đồng thời cảnh báo sẽ trừng phạt những đối tượng vi phạm lệnh ngừng bắn.

Ngày 24/7/2014, chính quyền Bamako và nhóm phiến quân đã ký thỏa thuận sơ bộ về lộ trình đàm phán hòa bình. Các cuộc đàm phán sẽ hướng tới một thỏa thuận hòa bình kéo dài giúp cho nhóm người thiểu số Tuareg và Arab ở sa mạc phía Bắc có quyền tự trị, đồng thời xóa bỏ hoàn toàn tình trạng ly khai của các nhóm phiến quân.

Mali rơi vào tình trạng hỗn loạn sau cuộc đảo chính quân sự tháng 3/2012 khiến miền Bắc nước này trở thành sào huyệt của nhánh khủng bố al-Qaeda ở Bắc Phi (AQIM) và một số lực lượng Hồi giáo cực đoan. Quân đội Pháp và các nước châu Phi đã phải can thiệp quân sự từ tháng 1/2013./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục