Bầu cử địa phương - Thất bại hữu ích của Emmanuel Macron

Sự thất bại của Đảng Nền Cộng hòa Tiến bước ở cấp địa phương có thể thực sự đem đến nhiều cơ hội tái đắc cử cho ông Macron trong 2 năm tới.
Bầu cử địa phương - Thất bại hữu ích của Emmanuel Macron ảnh 1Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại thủ đô Paris, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng realclearworld.com, Đảng Nền Cộng hòa Tiến bước (LREM) của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thất bại trong cuộc bầu cử địa phương gần đây.

Lẽ tất nhiên, giới bình luận nhanh chóng cho rằng ông Macron giờ ở vào vị thế “dễ tổn thương” hơn trước các cuộc bầu cử năm 2022, ngay cả khi chưa xuất hiện bất kỳ ứng cử viên nào trong chính giới đủ khả năng thách thức ông.

Tuy nhiên, chính trị lại không thường đi theo những thứ vốn được xem là logic, và điều này càng đặc biệt đúng tại Pháp.

[Bước đi 'được ăn cả, ngã về không' của Tổng thống Pháp Macron]

Một chiến thắng quá vang dội thậm chí có thể tạo nên những điều kiện dẫn tới các thất bại ê chề ngay sau đó. Hay nói cách khác, trong trường hợp này, sự thất bại của LREM ở cấp địa phương có thể thực sự đem đến nhiều cơ hội tái đắc cử cho ông Macron trong 2 năm tới.

Những bình luận cho rằng ông Macron đang vướng vào những rắc rối nghiêm trọng có thể là đúng, song mọi chuyện sẽ khác khi người ta nhìn vào tổng thể chính trường nước Pháp.

Chưa có một ứng cử viên nào đủ “xứng tầm” với ông Macron.

Marine Le Pen, người mà ông Macron đã đánh bại trong vòng đối đầu ở cuộc bầu cử trước, vẫn là một chính trị gia với tư tưởng dân túy có “tham vọng,” và được xem là đối thủ tiềm năng nhất của nhà lãnh đạo Pháp, song các nhà bình luận không đánh giá cao bà trở thành ứng cử viên sáng giá cho cuộc bầu cử 2022.

Bầu cử địa phương - Thất bại hữu ích của Emmanuel Macron ảnh 2Lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (RN) của Pháp Marine Le Pen. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bà Le Pen đã khiến các cử tri, kể cả những lực lượng cực hữu, mệt mỏi. Những gì bà thể hiện trong chiến dịch tranh cử năm 2017 là một thảm họa.

Trong cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình vơi ông Macron chỉ vài tuần trước cuộc bỏ phiếu, bà Le Pen đã gây thất vọng cho cả những người ủng hộ trung thành lâu năm, những người suốt nhiều thập kỷ đã ủng hộ ông Jean-Marie Le Pen, người sáng lập đảng Mặt trận Dân tộc.

Bà Marine Le Pen tỏ ra rất thiếu hiểu biết về các vấn đề kinh tế, có lập trường chính trị hẹp hòi, nếu không muốn nói là cực đoan, và gần như không tương xứng về mặt trí thức với tầng lớp xã hội mà bà thuộc về.

Chính đảng của bà Le Pen, hiện đã đổi tên thành Tập hợp Quốc gia, trên thực tế có thể đã “bỏ rơi” chính bà, hoặc ngược lại.

Một chính đảng dân túy mới nhiều khả năng sẽ tái thiết và ủng hộ cháu gái của bà Marine Le Pen, Marion Marechal-Le Pen, với tư cách một ứng cử viên.

Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa, rất khó có khả năng ông Macron sẽ thất bại trước một ứng cử viên dân tộc chủ nghĩa cực hữu với tư tưởng dân túy.

Tuy nhiên, vị thế của ông Macron hiện nay đang yếu hơn thời điểm 3 năm nước bởi trong vài năm qua, ông đã để mất một lượng cử tri và cả những quan chức cánh tả. Lãnh đạo một chính phủ thực sự là cách khiến người ta phải tiêu tốn không ít vốn liếng chính trị.

Ông Macron vẫn sẽ tiếp tục duy trì được sự ủng hộ của các cử tri trung dung và trung hữu. Các đảng cánh hữu bảo thủ truyền thống vẫn chưa hồi phục sau “sự trỗi dậy” của ông Macron năm 2017 (ứng cử viên đảng Cộng hòa năm 2017 François Fillon vừa mới bị bắt giam hồi tuần trước vì cáo buộc tham nhũng).

Trong khi đó, lực lượng cánh tả Pháp từng rất quy mô với phe xã hội và cộng sản đang “hấp hối.” Ngoại trừ đảng Xanh, lực lượng cánh tả Pháp cũ chỉ còn là một lực lượng khủng hoảng, thiếu lãnh đạo và thiếu bản sắc.

Tuy nhiên, nhìn từ quan điểm của ông Macron, thực tế đảng Xanh lại không phải là một mối đe dọa tiềm tàng, bởi chính đảng này chưa có một lãnh đạo đủ tầm lèo lái đất nước, và khả năng xuất hiện một nhân vật như vậy trong tương lai cũng được cho là không mấy khả thi.

Tất nhiên, thời gian để họ tìm kiếm một ứng cử viên không nhiều, song người ta cũng nên nhớ đến thực tế việc ông Macron “vụt sáng” đầy bất ngờ như thế nào trong giai đoạn từ 2016-2017.

Một ứng cử viên của đảng Xanh gây ấn tượng mạnh có thể ghi điểm nhiều hơn Le Len hay bất kỳ ai trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử và bước vào vòng đối đầu với Macron.

Với tỷ lệ ủng hộ đối với ông Macron hiện nay, không khó để người ta nghĩ đến khả năng một ứng cử viên đầy hứa hẹn của đảng Xanh có thể đánh bại ông trong vòng 1 cuộc bỏ phiếu.

Macron đã có những sai lầm nhất định, nhưng ông là một lãnh đạo chính trị nghiêm túc và can đảm đến bất ngờ.

Ông Macron đã thúc đẩy những cải cách khó khăn, chẳng hạn như thay đổi trong các quy định bảo vệ người lao động và lương hưu- những động thái tính đến dài hạn dù nguy cơ phải trả giá bằng những bất ổn trong ngắn hạn.

Nỗ lực này không giúp Macron gia tăng sự ủng hộ, mà trái lại đẩy ông tới trước cuộc khủng hoảng và sự phản đối của các liên đoàn lao động cũng như phong trào Áo vàng - một sự bùng phát từ những thất vọng chất chồng suốt nhiều năm vì các vấn đề không phải do ông Macron gây ra.

Và giờ, dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) càng khiến "cơn gió ngược" trở nên trầm trọng hơn.

Ông Macron đánh mất sự lôi cuốn bởi tính cách có đôi phần thiếu kiên nhẫn và tự phụ. Song khi so sánh ông Macron với những nhà lãnh đạo khác của châu Âu, rõ ràng chỉ có Thủ tướng Đức Angela Merkel mới có thể làm khó ông. Thực tế là các cử tri Pháp lâu nay vẫn luôn có thái độ hằn học với các chính trị gia.

Chính trường luôn là nơi đầy nghịch lý và phức tạp. Nếu nước Pháp chọn được một tổng thống đảng Xanh đủ năng lực, tất cả sẽ được lợi.

Song mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn nếu ông Macron, một người có tư tưởng mới mẻ và nhiệt huyết, tiếp tục có thêm nhiệm kỳ thứ hai để thúc đẩy và hoàn thành những dự định dang dở./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục