Bầu cử Tổng thống Brazil: Cơ hội "làn sóng hồng" quay trở lại

Cử tri Brazil rất kỳ vọng vào sự quay trở lại của ông Lula da Silva để giúp đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn thời kỳ hậu COVID-19, mở rộng thêm nhiều chương trình xã hội mà ông từng ghi dấu ấn.
Bầu cử Tổng thống Brazil: Cơ hội "làn sóng hồng" quay trở lại ảnh 1Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro (trái) và cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Brazil, quốc gia rộng lớn nhất và cũng là nền kinh tế số một ở khu vực Mỹ Latinh, đang đứng trước cơ hội trở lại thời kỳ hoàng kim những năm đầu thế kỷ 21.

Ngày 2/10, hơn 150 triệu cử tri tham gia bỏ phiếu bầu ra một tổng thống mới cho nhiệm kỳ 2022-2026 sau giai đoạn đầy biến động cả về chính trị xã hội lẫn kinh tế do tác động của đại dịch COVID-19 cũng như những chính sách khác thường của chính quyền cánh hữu trong 4 năm qua.

Mặc dù có tới 11 ứng cử viên tham gia chạy đua trong cuộc tổng tuyển cử lần này, song giới quan sát và dư luận Brazil đều dồn sự chú ý vào hai ứng cử viên có tiềm năng nhất là đương kim Tổng thống Jair Bolsonaro, đại diện cho đảng Tự do cực hữu, và cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva, người đã ghi dấu ấn đậm nét không chỉ trong xã hội Brazil mà cả trên trường quốc tế trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp hồi thập niên 2000, đại diện cho đảng Lao động cánh tả.

Cuộc bầu cử lần này diễn ra trong bối cảnh đất nước Brazil đang bước vào giai đoạn phục hồi thời kỳ hậu COVID-19 sau 2 năm suy giảm kinh tế, tỷ lệ lạm phát lần đầu tiên sau nhiều năm đã lên mức 2 con số.

Tác động của đại dịch đã làm trầm trọng thêm nhiều vấn đề nhức nhối trong xã hội khi mà số người thất nghiệp, làm việc bán thời gian hoặc đang tìm kiếm việc làm đã tăng vọt lên 27 triệu người, trong khi có khoảng 36 triệu người làm việc trong các lĩnh vực phi chính thức với mức lương thấp và không được hưởng bất kỳ một chính sách bảo trợ xã hội nào.

Theo một nghiên cứu của mạng lưới Penssan, có tới có 14,7 triệu gia đình Brazil (khoảng 41,1 triệu người, tương đương 19% dân số) sống dưới mức nghèo khổ và 28% dân số đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực.

Những nỗ lực của chính phủ Tổng thống Jair Bolsonaro cung cấp các gói trợ cấp hằng tháng cho các gia đình thuộc đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội trong thời kỳ COVID-19 hoành hành vẫn không thể khỏa lấp nhu cầu thực tế của người dân.

Kể từ khi lên nắm quyền năm 2019, Tổng thống Bolsonaro đã định hướng đất nước quay trở lại và làm sâu sắc hơn mô hình kinh tế tự do mới vốn xuất hiện lần đầu tiên ở Brazil từ đầu những năm 1990, trong đó cắt giảm triệt để chi tiêu công, bao gồm cả dịch vụ y tế và giáo dục, bất chấp những phản ứng gay gắt trong dư luận xã hội.

Mạng phân tích rebelión.org đánh giá những chính sách chú trọng quá nhiều tới lĩnh vực tư nhân, các tập đoàn lớn và tầng lớp cao trong xã hội mà chính phủ đương nhiệm thực thi đã tạo ra những sự bất công ngày càng lớn, khoảng cách giàu-nghèo ngày càng bị nới rộng, đặc biệt là trong các năm 2020 và 2021 khi đại dịch COVID-19 hoành hành.

Cùng với đó, những quyết sách “khác thường” đối phó với đại dịch của Tổng thống Bolsonaro trong một thời gian dài khi cho rằng đây chỉ là một dạng “cúm nhẹ” cũng gây không ít tranh cãi trong xã hội Brazil, đặc biệt là trong giai đoạn mà quốc gia Nam Mỹ này trở thành tâm dịch của thế giới với số ca nhiễm mới lên tới cả triệu trường hợp mỗi ngày.

Trong bối cảnh đó, uy tín của Tổng thống Bolsonaro ngày càng đi xuống, tâm lý bất mãn với chính quyền gia tăng, đặc biệt là trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ hiện nay, thậm chí ngay cả trong những cử tri có truyền thống bỏ phiếu cho các đảng cánh hữu cũng đã xuất hiện những ý kiến trái chiều, đòi hỏi có sự thay đổi.

[Ông Lula da Silva chiếm ưu thế trong cuộc bầu cử Tổng thống Brazil]

Trong các cuộc thăm dò dư luận trước thềm bầu cử, tỷ lệ ủng hộ đối với ông Bolsonaro luôn chỉ ở mức từ 25%-33%, thấp hơn rất nhiều so với đối thủ trực tiếp là cựu Tổng thống Lula da Silva, người thu hút được khoảng 45%-47% số cử tri dự kiến bỏ phiếu ủng hộ.

Nhà báo Giancarlo Summa, chuyên gia bình luận chính trị người Brazil, nhận định, cuộc bầu cử lần này có thể sẽ là một “đòn trừng phạt” đối với những chính sách sai lầm mà Tổng thống Bolsonaro đã theo đuổi và bảo vệ trong suốt 4 năm qua.

Thậm chí, chính trị gia cánh hữu này còn có thể thất bại ngay ở vòng 1 nếu một bộ phận các cử tri vẫn còn lưỡng lự quay sang ủng hộ ông Lula da Silva.

Ở một khía cạnh khác, việc Tổng thống Bolsonaro liên tục kích động những người ủng hộ đả phá các thể chế công quyền khác như Tòa án Tối cao và Quốc hội, hay tạo ra những cuộc chiến truyền thông trên mạng xã hội khi đưa ra cáo buộc một cách vô căn cứ về tính minh bạch và chuẩn xác của hệ thống bỏ phiếu điện tử mà Brazil áp dụng từ nhiều năm nay, phần nào cũng khiến hình ảnh của ông trước công luận trở nên xấu đi.

Trong lịch sử Brazil kể từ khi khôi phục nền dân chủ đến nay, chưa có vị tổng thống nào lại có số lần bị cơ quan lập pháp xem xét tiến hành quy trình luận tội nhiều như ông Bolsonaro trong một nhiệm kỳ.

Trong khi đó, mặc dù phải đối mặt với bản án tù giam kéo dài hơn 20 tháng do những phán quyết mà sau đó đã được chứng minh là thiếu căn cứ, không khách quan, cựu Tổng thống Lula da Silva vẫn là chính trị gia uy tín nhất trên chính trường Brazil hiện nay.

Nhà sáng lập đảng Lao động Brazil này luôn nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ mọi tầng lớp xã hội trong suốt nhiều năm qua. Trang điện tử Nueva Sociedad bình luận, những thành tựu mà ông Lula da Silva đã đạt được trong hai nhiệm kỳ liên tiếp đã giúp thay đổi hoàn toàn bộ mặt đất nước Brazil.

Trong 8 năm trên cương vị lãnh đạo cao nhất, ông đã thúc đẩy nhiều chương trình phúc lợi xã hội giúp hơn 20 triệu người Brazil thoát cảnh đói nghèo cùng cực, tầng lớp trung lưu đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 50% dân số.

Brazil trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới các mặt hàng như đậu nành, đường, ethanol, bò, gà, thuốc lá... và trở thành nền kinh tế lớn thứ tám thế giới.

Chính vì vậy, người dân Brazil đang rất kỳ vọng vào sự quay trở lại của ông Lula da Silva để giúp cho đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn thời kỳ hậu COVID-19, mở rộng thêm nhiều chương trình xã hội mà ông đã từng ghi dấu ấn trong những năm còn tại nhiệm vì lợi ích của đại bộ phận dân chúng.

Trong chiến dịch vận động tranh cử vừa qua, ông Lula da Silva cũng nhiều lần nhấn mạnh tới những cam kết xã hội có trách nhiệm, cũng như quyết tâm thực hiện những điều chỉnh mang tính cấu trúc của nền kinh tế và những định hướng phát triển dài hạn để từng bước đưa Brazil quay trở lại con đường phát triển bền vững.

Một trong những yếu tố khác được cho là tác động không nhỏ tới chiến dịch tranh cử của ông Lula da Silva là việc làn sóng cánh tả quay trở lại nắm quyền ở Mỹ Latinh trong những năm qua như Argentina, Chile, Bolivia, Peru và thậm chí một đất nước có truyền thống hữu khuynh như Colombia cũng lần đầu tiên có một tổng thống theo đường lối cánh tả.

Trang mạng rebelión.org bình luận, “làn sóng hồng” tại Mỹ Latinh sẽ có tác động lớn tới cử tri Brazil trong cuộc bầu cử tới.

Brazil dưới thời của ông Lula da Silva trước đây cũng từng là đầu tàu tạo ra sự đoàn kết và hội nhập trong khu vực khi mà các phong trào tiến bộ trỗi dậy hồi đầu thế kỷ này.

Mặc dù đang có lợi thế rất lớn trong cuộc chạy đua với đương kim Tổng thống Bolsonaro, nhưng khả năng ông Lula da Silva có thể giành chiến thắng ngay tại vòng 1 vẫn còn bỏ ngỏ do quy định người chiến thắng phải đạt được từ 50% số phiếu bầu ủng hộ.

Trong trường hợp đó, việc thu hút được sự ủng hộ từ các nhóm cử tri nhỏ bỏ phiếu cho các ứng cử viên đã bị loại sẽ mang tính quyết định ở vòng 2./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục