Bế tắc chính trị tại Thái Lan có thể tìm được lối thoát

Bế tắc chính trị ở Thái Lan có thể sẽ tìm được lối thoát mới khi Tòa án ra phán quyết về cuộc tổng tuyển cử ngày 2/2 trong tuần này.
Bế tắc chính trị tại Thái Lan có thể tìm được lối thoát ảnh 1Bà Yingluck Shinawatra đã tới thị sát Trung tâm thực thi mệnh lệnh và duy trì hòa bình của cảnh sát chống bạo động nước này ở thủ đô Bangkok ngày 3/3. (Ảnh: THX/TTXVN)

Bế tắc chính trị hiện nay ở Thái Lan có thể sẽ tìm được lối thoát mới khi Tòa án hiến pháp ra phán quyết về cuộc tổng tuyển cử ngày 2/2 trong tuần này.

Dư luận Thái Lan cho rằng nhiều khả năng sẽ có phán quyết hủy bỏ kết quả bầu cử do tiến trình bầu cử có nhiều sai sót và không hề công bằng.

Theo một thành viên của đảng Dân chủ, trường hợp cuộc bầu cử bị tuyên bố vô hiệu, nó sẽ quay trở lại điểm xuất phát mới và hai bên có thể sẽ tổ chức thương lượng để đi đến chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay. Phán quyết hủy bỏ kết quả bầu cử sẽ dẫn tới việc chính phủ tạm quyền và ủy ban bầu cử phải ấn định ngày bầu cử mới, đồng thời họ cũng có thể sẽ kêu gọi đảng Dân chủ tham gia cuộc bầu cử mới.

Tuy nhiên, điều kiện đàm phán mà phe đối lập và đảng Dân chủ đưa ra là Thủ tướng Yingluck Shinawatra phải từ chức để mở đường cho một nhân vật trung gian lên điều hành chính phủ và tổ chức bầu cử. Sau cuộc bầu cử đó, chính phủ mới sẽ khởi xướng thực hiện việc cải cách đất nước trước khi đi tới giải tán Quốc hội và tổ chức một cuộc bầu cử nữa.

Trong trường hợp này chính phủ tạm quyền và đảng Vì Thái Lan sẽ phải có quyết định dựa trên các tính toán của họ. Trường hợp đảng Vì Thái Lan đảm bảo khả năng sẽ lại thắng cử họ sẽ chấp nhận, nhưng cũng còn khả năng họ không chấp nhận để chính phủ từ chức mà chỉ đồng ý tổ chức đàm phán giữa hai bên sau phán quyết của tòa án.

Một nguồn tin từ đảng Vì Thái Lan cho rằng đảng này cũng đang tính toán tới các khả năng kết quả bầu cử bị hủy bỏ để mở đường cho việc thành lập một chính phủ không thông qua bầu cử.

Các cơ quan độc lập ở Thái Lan như Ủy ban bầu cử, Ủy ban kiểm tra, Ủy ban chống tham nhũng quốc gia, Ủy ban kiểm toán, Ủy ban nhân quyền quốc gia và Hội đồng cố vấn kinh tế xã hội đã đề xuất một lộ trình nhằm làm trung gian hòa giải giữa hai bên.

Kết quả một cuộc thăm dò gần đây do Trung tâm Dusit tổ chức, cho thấy đa số những người được hỏi đều cho rằng Thủ tướng Yingluck nên nhận trách nhiệm về hàng loạt vấn đề xảy ra gần đây đối với đất nước và đối với nội các của bà.

Trong tổng số gần 1.500 người được hỏi trên toàn quốc, có 54% tin rằng bà Yingluck cần chịu trách nhiệm về những lộn xộn chính trị với tư cách là một nhà lãnh đạo đất nước mặc dù không có thông tin cụ thể về việc phải chịu trách nhiệm như thế nào.

Cuộc thăm dò này cũng cho thấy có khoảng 9% cho rằng Thủ tướng nên tiếp tục làm việc, 26% cho rằng bà cần sớm giải quyết nhiều vấn đề để cải thiện hình ảnh và uy tín của mình trong khi 11% bày tỏ không muốn bà Yingluck can thiệp vào công việc của tòa án cũng như lạm dụng quyền lực của mình.

Trong những ngày gần đây, chính phủ tạm quyền của bà Yingluck còn phải đối mặt thêm với hàng loạt những phán quyết nhằm triệt hạ uy tín như việc Tòa án hiến pháp không cho phép thực hiện dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 2.000 tỷ baht, việc sử dụng phung phí công quỹ để tổ chức một cuộc bầu cử dở dang, việc triển khai chương trình trợ giá gạo gây thiệt hại cho đất nước vì tham nhũng...

Kết quả cuộc thăm dò trên của Trung tâm Dusit đã cho thấy khoảng 67% số người nói trên đã trả lời rằng bà Yingluck cần công khai giải tỏa những nghi ngờ và cáo buộc này để công chúng được hiểu rõ hơn. Có 17% cho rằng tất cả các thành phần trong xã hội cần vào cuộc để nhanh chóng giải quyết tình trạng hiện nay, trong khi 9% thì cho rằng bà Yingluck cần tiếp tục giải quyết những vấn đề trên với tư cách là Thủ tướng và 6% nói rằng bà Yingluck nên có hành động từ chức để chịu trách nhiệm về những điều này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục