Beethoven chết không phải do bị nhiễm độc chì

Theo nghiên cứu mới, có thể cái chết của nhà soạn nhạc thiên tài Beethoven không phải do nhiễm độc chì như các giả thuyết trước đó.
Theo một kết quả nghiên cứu do các nhà khoa học tại Trường Y Mount Sinai ở thành phố New York của Mỹ tiến hành, nhà soạn nhạc thiên tài Ludwig van Beethoven (1770-1827) có thể không phải chết do bị nhiễm độc chì như những giả thuyết phân tích trước đây đã đưa ra.

Tiến sỹ Andrew Todd, đồng tác giả của công trình nghiên cứu, nói rằng 90% chì có trong cơ thể người lớn được lưu trữ ở xương và chất này sẽ ở lại đây trong nhiều năm thậm chí cả sau khi đã chết.

Tiến sỹ Todd đã tiến hành đo lượng chì trong hai mảnh xương hộp sọ của Beethoven với việc sử dụng công nghệ huỳnh quang tia X (XRF). Phương pháp XRF không làm hư hại hoặc phá hủy các mẫu thí nghiệm và đã được tiến sỹ Todd sử dụng trong rất nhiều nghiên cứu về tác động của chì đối với sức khỏe con người.

Một lượng rất nhỏ chất phóng xạ được sử dụng để cho chất chì có trong xương phát ra các tia X, được ghi lại trong các máy đo phóng xạ. Tiến sỹ Todd nhận thấy các mảng xương sọ của Beethoven có chứa khoảng 12 microgram chì trên mỗi gram khoáng xương.

Tiến sỹ Todd cho biết: "đối với những người ở độ tuổi của Beethoven, chúng tôi mong đợi có nhiều lượng chì hơn thế; một dữ liệu so sánh đã dự đoán 21 microgram chì/gram khoáng xương."

Từ trước tới nay có rất nhiều giả thuyết về cái chết của Beethoven - có người cho rằng ông bị chết vì bệnh xơ gan gây tràn dịch khoang bụng - nhưng giả thuyết được nhiều người ủng hộ cho rằng ông đã bị nhiễm độc chì.

Một số người cho rằng rượu vang mà Beethoven uống là nguyên nhân vì rượu vang thời đó thường được lọc bằng mônôxit chì (PbO).

Một số người khác cho rằng nguyên nhân nằm ở nước chứa kết tủa chì mà Beethoven uống tại các suối nước nóng để chữa bệnh điếc theo lời khuyên của bác sĩ./.

Khắc Hiếu (Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục