Bí ẩn về vụ nhà khoa học hạt nhân Iran mất tích

Nhà khoa học hạt nhân Shahram Amiri mất tích tại Arập Xêút được cho là ít nhiều có dính líu tới các cơ quan tình báo Mỹ và Israel.
Sự kiện nhà khoa học hạt nhân Iran Shahram Amiri mất tích tại Arập Xêút xảy ra sau một loạt cuộc đào tẩu và những cái chết bí hiểm liên quan tới nhiều nhân vật quan trọng ở Iran trong những năm gần đây.

Những sự kiện này ít nhiều đều dính líu tới các cơ quan tình báo Mỹ và Israel.

Ông Amiri biến mất hồi tháng 6/2009 trong khi đang đi hành hương tới thánh địa Mecca ở Arập Xêút. Amiri làm việc tại Trường đại học Malek Ashtar ở Tehran, nơi được Liên hợp quốc xác định là một cơ sở nghiên cứu hạt nhân.

Nhiều thông tin trên báo chí Iran nhận định rằng ông Amiri đã bị bắt cóc hoặc đào tẩu trong khi ở Arập Xêút. Tuy nhiên, hãng thông tấn IRNA của Iran dẫn lời Ngoại trưởng nước này Manouchehr Mottaki tuyên bố Arập Xêút phải chịu trách nhiệm về trường hợp của Shahram Amiri, đồng thời cho rằng Mỹ có dính líu tới vụ mất tích này.

Ông Mottaki được cho là đã đệ trình lên Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon một danh sách những người Iran bị mất tích trong những trường hợp đáng ngờ, trong những năm gần đây.

Danh sách này bao gồm cựu Thứ trưởng Quốc phòng Ali Reza Asghari. Ông này biến mất tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), tháng 12/2007. Iran tuyên bố đây là vụ bắt cóc, song các nguồn tin phương Tây cho biết ông Asghari đã đào tẩu và cung cấp cho Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) thông tin giá trị về quân sự của Tehran cũng như chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.

Trong khi đó, Cơ quan tình báo Mossad của Israel vẫn đẩy mạnh cuộc chiến ngầm chống chương trình hạt nhân của Iran. Tình báo Israel nhằm vào các nhà khoa học hạt nhân Iran để ám sát cũng như phá hoại mạng lưới toàn cầu về thu mua thiết bị hạt nhân của Tehran. Mossad từng tiến hành nhiều vụ ám sát để dập tắt nỗ lực phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt của những nước thù địch.

Vào những năm 1960, mục tiêu của Mossad là các nhà khoa học Đức, một số là cựu thành viên Quốc xã, làm việc với Ai Cập để sản xuất tên lửa có đầu đạn hạt nhân. Nhiều người Đức đã bị ám sát bằng bom thư.

Vào những năm 1980 và 1990, Mossad thủ tiêu những nhân vật chủ chốt trong chương trình vũ khí của cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein - ít nhất là ba nhà khoa học cấp cao và đánh bom các công ty châu Âu cung cấp thiết bị cho chương trình vũ khí hạt nhân bí mật của Baghdad.

Thậm chí, lâu nay người ta còn nghi ngờ Mossad đã đầu độc nhiều nhà khoa học hạt nhân của Pakistan hồi cuối những năm 1980 và đầu 1990 nhằm ngăn sự phát triển của "quả bom Hồi giáo".

Các nguồn tin tình báo Mỹ cho biết, nhiều chiến dịch hỗn hợp giữa Mossad và CIA chống lại chương trình hạt nhân của Iran đã thất bại thảm hại. Thế nhưng, ít nhất một quan chức cấp cao Iran nói bóng gió rằng những chiến dịch đó đã gặt hái được một số thành công. Một trong số đó có thể là cái chết bí hiểm của một trong những nhà khoa học quan trọng nhất của Iran, giáo sư Ardeshir Hassanpour - nhân vật chủ chốt tại cơ sở làm giàu uranium và trung tâm nghiên cứu ở Isfahan.

Ngày 25/1/2007, báo chí Iran đưa tin Hassanpour, 44 tuổi, đã bị "chết ngạt vì khói của lò sưởi đốt bằng khí trong khi đang ngủ". Thực tế, ông được phát hiện chết trước đó sáu ngày. Việc hoãn thông báo về cái chết của ông mà không có lý do nào có thể chỉ ra rằng điều gì đó không hay đã xảy ra. Nhiều nguồn tin cho rằng Hassanpour đã bị Mossad thủ tiêu. Ngoài ra, còn có những nghi vấn về cái chết của ít nhất hai nhà khoa học Iran khác, tử vong do bị đầu độc.

Khác với Mossad, tình báo Mỹ theo đuổi chương trình bí mật riêng nhằm xúi giục các nhà khoa học Iran đào tẩu hoặc làm gián điệp ngầm cho CIA. Theo các nguồn tin tình báo Arập, chương trình của Mỹ được hậu thuẫn bởi các chế độ Hồi giáo Arập dòng Sunni ở Arập Xêút và Jordan - những nước đang bị báo động trước tham vọng bành trướng của nhà nước Hồi giáo dòng Shiite của Iran./.

Bùi Hoàn/Cairo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục