Cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn nhận thêm án 10 năm tù

Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn nhận thêm bản án 10 năm tù

Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn được xác định có vai trò chủ mưu thực hiện các hành vi vi phạm quy định về đấu thầu tại Dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh Quảng Ninh.
Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn nhận thêm bản án 10 năm tù ảnh 1Chủ tọa phiên tòa tuyên án. (Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN)

Sau 3 ngày xét xử và nghị án, ngày 26/10, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh tuyên án đối với 16 bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Sở Y tế tỉnh.

Chủ tọa phiên tòa đã tuyên án vắng mặt đối với 4 bị cáo đang bỏ trốn về tội "Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 3, Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trong số đó có 3 bị cáo thuộc Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC (Công ty AIC) gồm: Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty), Nguyễn Hồng Sơn (Phó Tổng Giám đốc Công ty), Trương Thị Xuân Loan (Trưởng ban Quản lý Dự án 3 thuộc Công ty) và bị cáo Nguyễn Thị Tích (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mopha).

[Trưởng bộ phận Thư ký tài chính Công ty AIC kêu oan tại tòa]

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định truy nã và phát thư kêu gọi ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước, đồng thời áp dụng đầy đủ các biện pháp để đảm bảo thực hiện quyền bào chữa theo quy định đối với những bị cáo trên.

Theo đó, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn được xác định có vai trò chủ mưu, đứng đầu chỉ đạo và trực tiếp thực hiện các hành vi vi phạm quy định về đấu thầu tại Dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh Quảng Ninh.

Tòa đã tuyên bị cáo Nhàn 10 năm tù. Cùng với 30 năm tù mà Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên trước đó trong vụ án "Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng,” “Đưa và nhận hối lộ" xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Tổng Giám đốc Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn nhận tổng 40 năm tù.

Tuy nhiên, mức án mà bị cáo Nhàn phải chịu vẫn chỉ là 30 năm tù (mức cao nhất của tù có thời hạn).

Bị cáo Nguyễn Hồng Sơn lĩnh 7 năm tù, bị cáo Trương Thị Xuân Loan 5 năm tù, bị cáo Nguyễn Thị Tích 3 năm tù. Cùng với 4 năm tù tại vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bị cáo Tích lĩnh tổng 7 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn nhận thêm bản án 10 năm tù ảnh 2Các bị cáo được dẫn giải về trại giam. (Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN)

12 bị cáo khác có mặt tại tòa bị tuyên án cùng về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" gồm Đỗ Văn Sơn (Kế toán trưởng Công ty AIC) lĩnh 30 tháng tù. Cùng với bản án trước là 6 năm tù ở vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, bị cáo Sơn lĩnh tổng cộng 8 năm 6 tháng tù.

Anh trai của bị cáo Nhàn là bị cáo Nguyễn Anh Dũng (Tổng Giám đốc Công ty Phúc Hưng) lĩnh 3 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Thị Thu Phương (Trưởng Bộ phận Thư ký tài chính Công ty AIC) bị tuyên 6 năm tù.

Chín bị cáo khác có vai trò giúp sức cho các bị cáo chủ mưu “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" đã nhận từ 18 tháng đến 3 năm tù hoặc 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Cùng tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại khoản 2, Điều 285, Bộ luật Hình sự năm 1999, các bị cáo Lương Văn Tám (nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình y tế thuộc Sở Y tế Quảng Ninh) và Lê Thị Phú (Phó Trưởng phòng Quản lý giá, Sở Tài chính tỉnh) lĩnh 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Cáo trạng xác định, Nguyễn Thị Thanh Nhàn trực tiếp chỉ đạo cấp dưới móc ngoặc với các cá nhân tại Ban Quản lý Dự án Đầu tư các công trình y tế thuộc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh (chủ đầu tư dự án), Sở Tài chính tỉnh, tổ chức cho các "quân xanh," "quân đỏ" đấu thầu để trúng 6 dự án.

Để Công ty AIC được tham gia dự thầu và trúng các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế của dự án, Nguyễn Thị Thanh Nhàn chỉ đạo Trương Xuân Loan liên hệ với cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình y tế thông đồng về thông số kỹ thuật, cấu hình, đơn giá trang thiết bị y tế mua sắm.

Sau đó, các bị cáo liên hệ các hãng sản xuất, đơn vị cung cấp thiết bị thuộc danh mục mua sắm nêu trên để thu thập thông số kỹ thuật, cấu hình, đơn giá từng loại thiết bị; xác định lợi nhuận dự kiến để làm cơ sở cho việc xây dựng giá dự thầu nhằm bảo đảm mức lợi nhuận mong muốn của Công ty AIC khi trúng thầu.

Để bảo đảm đủ năng lực tài chính tham gia dự thầu, Nguyễn Thị Thanh Nhàn chỉ đạo Kế toán trưởng Đỗ Văn Sơn điều chỉnh số liệu báo cáo tài chính các năm từ 2010 đến 2013 của Công ty AIC.

Sau đó, Nguyễn Thị Thanh Nhàn giao cho Nguyễn Hồng Sơn, Trương Thị Xuân Loan chỉ đạo, điều hành nhân viên Công ty AIC mua hồ sơ mời thầu, lập hồ sơ dự thầu cho Công ty AIC, Công ty Cổ phần Mopha (gọi là “quân đỏ”) và các công ty khác (gọi là “quân xanh”) nhằm có đủ số lượng hồ sơ dự thầu theo quy định và tạo các điều kiện cần thiết cho Công ty AIC, Công ty Mopha trúng 6 gói thầu của dự án.

Dưới sự chỉ đạo, dàn xếp của Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Công ty AIC đứng tên trúng 4 gói thầu, tổng trị giá hơn 206 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Mopha đứng tên trúng 2 gói thầu, tổng trị giá hơn 25,5 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định, giá trị trang thiết bị 6 gói thầu tại thời điểm mở thầu so với giá trị đã quyết toán (hơn 237,3 tỷ đồng) có sự chênh lệch, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 50,6 tỷ đồng.

Trong vụ án xảy ra tại Sở Y tế Quảng Ninh, quá trình điều tra cũng xác định, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch-Đầu tư Phạm Trọng Hiệu cùng cấp phó là Nguyễn Đức Quang có vai trò quan trọng, là đầu mối, trực tiếp tham mưu cho lãnh đạo Sở Y tế Quảng Ninh quyết định mọi vấn đề của dự án. Tuy nhiên, hai ông Hiệu và Quang đã chết nên không xem xét trách nhiệm hình sự.

Một số nguyên lãnh đạo Sở Y tế, Sở Tài chính, Giám đốc Bệnh viện Sản-Nhi Quảng Ninh, các cán bộ có liên quan đến dự án nhưng không có yếu tố vụ lợi nên không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự.

Quá trình điều tra, bị cáo Đỗ Văn Sơn bỏ trốn, đến ngày 22/6 ra đầu thú và thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội; tích cực hợp tác giải quyết vụ án, tích cực vận động gia đình nộp 50 triệu đồng để khắc phục hậu quả nên được xem xét khi quyết định hình phạt.

Bị cáo Nguyễn Thị Thu Phương bỏ trốn và bị truy nã, đến ngày 28/7 ra đầu thú nhưng quá trình điều tra, bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội.

Các bị cáo trong vụ án cũng đã khắc phục hậu quả với số tiền hơn 700 triệu đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục